NỤ TÌNH
Thơ Ru Ga Ho Ho: Qua lời cảm đầy chất lãng mạn của Nhà văn kim Hoa
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng hôn và được hôn. Bởi nụ hôn là cách diễn tả tình cảm, sự trân trọng của các “đối phương” dành cho nhau. Kim Hoa dùng từ “các đối phương” vì không chỉ con người mà cả các loài vật cũng bày tỏ tình cảm yêu thương bằng nụ hôn. Đây là đề tài làm tốn bao nhiêu giấy mực và thời gian của những người cầm viết và những người làm nghệ thuật từ bao đời nay.
Trong tiếng Việt, có nhiều cách gọi khác nhau để chỉ về nụ hôn: người miền Nam thường gọi là mi, hôn xa là mi gió; người miền Bắc thường gọi là thơm. Trong văn thơ thì hay dùng từ hôn.
Nhưng không phải ai cũng có cách hôn như nhau. Mỗi nụ hôn và cách hôn đều mang một ý nghĩa. Có nụ hôn yêu thương, có nụ hôn xã giao và có cả nụ hôn phản bội.
Đối với tác giả Ru Ga Ho Ho, dường như nụ hôn là đặc sản và đặc quyền của tình yêu đôi lứa. Bởi lẽ anh gọi những nụ hôn trong bài thơ đăng trên trang NHỮNG MÙA HOA Ở LẠI là NỤ TÌNH.
NỤ TÌNH là một bài thơ tự do được tác giả trình bày trong bốn khổ thơ, bốn câu theo kiểu ngắt đoạn câu đầu của mỗi đoạn. Tác giả dùng ngôn từ nghiêng về cổ phong nhiều. Nếu ta đọc lướt qua một lần thì thường có cảm xúc rất manhh mẽ phiêu bồng như luồng điện chạy qua xuyên suốt từ trán xuống.
Bởi thế mà bài thơ vừa đăng đã giật thót, thu hút và tạo cảm hứng cho một số người đọc. Trong đó có những tác giả phản hồi ngay bằng những bài thơ dâng trào cảm xúc.
Mới thoạt đầu vào bài thơ, tác giả đã viết:
“Nụ hôn này…
ta sẽ dát lên vầng trán vô ưu
Trên đường môi xinh xinh lưu hương mùa con gái
Ủ khuông ngực bồng bềnh những lần rung vụng dại
Thơm mái tóc huyền, từng chải lá me rơi.”
Ôi cái nụ hôn vừa mới vồ vập dát lên trán vô ưu đã lướt vèo xuống môi xinh, xuống ngực, xuống tóc huyền… rồi tới đâu nữa thì để độc giả cứ tưởng tượng và thả hồn theo tỉ lệ thuận. Càng mãnh liệt càng tiến xa… đại để là thế!
Khi yêu thì người ta muốn trao nhau trọn vẹn. Nụ tình cũng vậy:
“Nụ hôn này…
duy chỉ tặng em thôi
Chiết lọc tinh khôi từ nửa đời phiêu lãng
Khép cổng trường du, giũ bụi màu năm tháng
Về ngự cung tình vô hạn tiếng ru yêu.”
Đây là nụ hôn của một người từng trải /nửa đời phiêu lãng/ giũ bụi màu năm tháng/
Thật lòng mà nói ai chẳng thích được bên cạnh người yêu người từng trải, biết trước biết sau! Đành rằng anh yêu em, nhưng cách anh bày tỏ, diễn tả tình yêu đó cũng rất quan trọng. Ở đây tác giả đã “Chắt lọc tinh khôi” của một đời vào nụ hôn để trao tặng người yêu thì có lẽ anh đã không chỉ chiếm lĩnh một con người bằng xương bằng thịt mà bắt được cả vía hồn người ta rồi! Và cứ thế “Về ngự cung tình vô hạn tiếng ru yêu”.
Khổ thơ thứ ba tác giả muốn khẳng định lại giá trị của nụ hôn của tình yêu cho dù trải qua bao biến cố cuộc đời thì món đặc sản, đặc quyền của tình yêu vẫn luôn giữ được nét son, nét nguyên thủy của sự ngọt ngào của lòng chung thủy và tình yêu sâu đậm /vẫn cứ hoài thắm đỏ/ và /thấm đến tận cùng/
“Nụ hôn này…
đã lành rồi bao vết cứa răn rêu
Dấu chứng hằn in của bấy nhiêu lần ngược xuôi triều gió trở
Sắc phôi nguyên buổi xa xưa vẫn cứ hoài thắm đỏ
Thấm đến tận cùng ngõ ngách mạch tim non.”
Và độc giả bị cuốn hút đọc đến khổ thơ cuối cùng:
“Nụ hôn trăm năm…
chưa hề nhạt phai son
Trên nếp áo bạc sờn vẫn còn mùi dung dị
Ta sưởi vào đời thơ em ấm phím đàn tri kỉ
Nguyện ca dặt dìu… chung thủy một lời yêu.
Giữ đóa tình nồng
để trọn kiếp
nâng niu!”
Tác giả như muốn khẳng định một lần nữa. Rằng không phải đâu! Tuy đã dốc về chiều, chiếc áo đã bạc sờn, “vẫn còn mùi dung dị” để trả lời cho những câu nói cửa miệng của một số người “già rồi, còn làm ăn gì được…” vân vân và vân vân…
Khi đọc hết đoạn cuối thì có lẽ độc giả hơi bị mất phương hướng!
Té ra tới đây rồi người đọc mới vỡ lẽ rằng nãy giờ NỤ TÌNH chưa hôn gì cả. Hôn trán, hôn môi, hôn ngực, hôn tóc… chỉ là trong trí tưởng tượng, trong dự định thôi! Bởi từ SẼ của câu đầu tiên là thì tương lai. Và từ NGUYỆN trong khổ thơ cuối của bài thơ đã nói nên điều đó!
Như đã nói, tác giả dùng ngôn từ nghiêng về cổ phong nhiều, nên nếu chỉ đọc lướt qua thì ta chỉ cảm nhận về nụ hôn cháy bỏng. Nhưng khi đọc kỹ thì sẽ loạng choạng và mất hẳn sự tự tin rằng: không biết ta đã hiểu hết ý tác giả hay chưa! Tuy nhiên, bài thơ được chắt lọc từng câu chữ vừa mềm mại, vừa sắc cạnh đã xoáy sâu vào cảm xúc, khiến người đọc thả hồn theo và quên cả thực tại.
Kim Hoa xin mời quý độc giả thưởng thức bài thơ NỤ TÌNH. Với những nụ hôn cháy bỏng của tình yêu nhé!
Bruxelles, 12.11.2023
NỤ TÌNH
Tác giả: Ru Ga Ho Ho
Nụ hôn này…
ta sẽ dát lên vầng trán vô ưu
Trên đường môi xinh xinh lưu hương mùa con gái
Ủ khuông ngực bồng bềnh những lần rung vụng dại
Thơm mái tóc huyền, từng chải lá me rơi.
Nụ hôn này…
duy chỉ tặng em thôi
Chiết lọc tinh khôi từ nửa đời phiêu lãng
Khép cổng trường du, giũ bụi màu năm tháng
Về ngự cung tình vô hạn tiếng ru yêu.
Nụ hôn này…
đã lành rồi bao vết cứa răn rêu
Dấu chứng hằn in của bấy nhiêu lần ngược xuôi triều gió trở
Sắc phôi nguyên buổi xa xưa vẫn cứ hoài thắm đỏ
Thấm đến tận cùng ngõ ngách mạch tim non.
Nụ hôn trăm năm…
chưa hề nhạt phai son
Trên nếp áo bạc sờn vẫn còn mùi dung dị
Ta sưởi vào đời thơ em ấm phím đàn tri kỉ
Nguyện ca dặt dìu… chung thủy một lời yêu.
Giữ đóa tình nồng
để trọn kiếp
nâng niu!./.
Rhn, cuộc phù trầm. 11. 2023