Có một ngày thật đặc biệt - qua góc nhìn Vọng Thanh - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

Có một ngày thật đặc biệt – qua góc nhìn Vọng Thanh

  MỘT NGÀY THẬT ĐẶC BIỆT                    với tôi…!

_______________෴꧁꧂෴______________

  Giữa cái nắng oi nồng Sài Gòn những ngày qua. Có lẽ hôm nay khác biệt? Tiết trời cũng dịu hơn sau cơn mưa đêm, và cảm giác không còn căng cứng như những con đường hàng ngày gồng mình chịu đựng những họng khói lớn nhỏ nhả ra.
    Thứ bảy, cuối tuần con đường cũng thưa thớt người và xe cộ. Tôi chợt giật mình nhớ hôm nay mình có hẹn…! Nhìn lại tập lịch để bàn có khoanh dấu mực đỏ, rồi ngó sang đồng hồ treo tường đã 8h 15 phút. Tôi vội vàng lấy túi xách ra xe rồ ga chạy một lèo đến địa chỉ…
     Đây rồi! 109 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cafe Sori Garten! Tôi gửi xe rồi bước vào, nhìn những chàng trai cô gái ăn mặc kiểu đồng phục quán cúi đầu chào, rồi hướng dẫn tôi vào bên trong căn phòng được sắp đặt bàn ghế sẵn sàng khá chỉn chu. Có điều tôi hơi bất ngờ, lục lại xem tin nhắn thì đúng như lời mời hẹn gặp mặt uống cafe, mà sao giờ nhìn giống như hội nghị bàn tròn vậy trời…?
      Tôi mông lung suy nghĩ, nhưng rồi định tâm lại đảo mắt nhìn lướt qua một lượt thấy nhiều người xa lạ ngồi lặng lẽ từng nhóm, từng nhóm theo một góc riêng tư, chỉ có mình tôi là đơn độc lẻ loi. Bất chợt có tiếng gọi từ phía sau lưng.
    Ô anh Vọng Thanh! Tôi ngoái đầu quay lưng lại, nhìn thấy Nàng hôm nay trong chiếc váy trắng xinh xinh, cộng với đường nét hoa văn nền nã màu xanh làm tôn thêm nét tao nhã và đầy quý phái, thì ngầm hiểu…
     Với sự đón tiếp chân thành long trọng của nhân vật chính hôm nay. Điều đó đủ nói lên những người có mặt hôm nay trong giới văn nghệ sĩ nói chung, và thi ca nói riêng. Dù không ai nói ra, nhưng bằng trực giác của tôi đã hiểu tất cả mọi người đến đây vì nhân vật chính, vì lòng đam mê nghệ thuật, mà gạt bỏ lại phía sau mọi thứ bộn bề của cuộc sống thường nhật, để đến đây bằng tâm hồn thi nhân đồng cảm và chia sẻ, để thấu hiểu, để lắng nghe tiếng thơ thầm thì vọng lại từ Thành phố Stuttgart.

 

Một góc hình ảnh các văn nghệ sĩ, nhà thơ .

 

Dừng lại vài giây suy nghĩ bâng quơ chưa biết nói gì, bỗng chốc căn phòng trở nên im ắng đầy trịnh trọng.
    Từ đầu dãy bàn. Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên run run không rõ lời: “Chào các anh chị ạ! Hôm nay em xin mời anh chị đến chung vui cùng em bên ly cafe chén trà tâm sự thân mật, và bên cạnh đó em xin ra mắt giới thiệu đến quý bạn bè anh chị tập thơ thứ 4. Với tựa đề: “Thơ từ Thành phố Stuttgart nước Đức” của em ạ! Giọng nói ấp úng đến đây bỗng khựng lại mất vài giây, sau đó có một giọng nữ khác tiếp lời đầy chững chạc và bản lĩnh vang lên: “Có lẽ Hồng Linh vì quá vui và hạnh phúc nên không nói được nên lời. Em là Vân Mỹ xin thay mặt giới thiệu tên để các anh chị làm quen và biết nhau ạ.
     Bắt đầu từ bên phải. Em xin giới thiệu nữ Nhà thơ Oanh Kim, Xuân Mỹ Trần và lần lượt là Nhà văn Elina đến từ châu Âu, Nhà thơ Dung Thị Vân, … Kiều Huệ và vợ chồng họa sĩ… rồi nhạc sĩ,… Nhà văn… nhíp ảnh gia…”. Nghe đến đây lỗ tai tôi như lùng bùng không nạp hết những lời giới thiệu khi ngồi bị kẹt giữa hai cây đại thụ văn học. Nhà văn, dịch giả, Nhà bình luận văn học Trương Văn Dân, kế bên là anh Phạm Ngọc Dũ, bút danh (Ngã Dzu Tử) chủ biên tờ tạp chí Diễn đàn văn học nghệ thuật – Sông Quê. Bên tay phải là Nhà thơ Mạc Uyên Linh, Nhà báo Nguyễn Viết Đức. Đặc biệt người cạnh tôi là anh Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Một Nhạc sĩ lặng lẽ âm thầm ít nói, mà cứ thế nghiêng mình đi qua năm tháng dòng đời dù là bẩn chật, tưởng sẽ ngủ quên. Nhưng không! Anh cứ thế đi gom nhặt từng nốt nhạc xanh, từng cảm xúc thăng trầm trải phơi làm niềm vui cho cuộc sống, cho mình, tặng cho mọi người, bằng những giai điệu ngọt ngào da diết. Tôi như lặng người đi qua những khúc tự tình anh kể… thật ngưỡng mộ và nể phục anh. Với kinh nghiệm và bề dày học thức, cũng như sự kết hợp giữa thơ – nhạc, anh đủ thượng thừa… tôi hiểu trong từng cử chỉ trầm ngâm nghe anh kể…

     Anh mở điện thoại và đưa tôi xem 2 bản thảo do anh biên soạn đúc kết tổng hợp qua nhiều năm. Những ca khúc, nhiều tên tuổi nổi tiếng vang bóng một thời, có những bài trước năm 1975 gửi mấy lần đến Bộ ngành, Cơ quan chức năng… chờ xét duyệt để in. Nhưng rồi bất lực, chờ hoài không thấy ai phản hồi. Tôi mãi say sưa chăm chú vào màn hình điện thoại anh đưa tôi xem, mà quên mất nàng MC xinh đẹp giới thiệu đến lượt tên mình.
    Anh… là. a.a.a… Chị cứ đứng ấp úng, hết a rồi ê chẳng đọc được chữ nào ra hồn trong cái tên tôi. Mặc dù cách đó mới vài ngày tôi có nhắn tin và gọi điện cho chị về chuyện in ấn. Tôi biết chị qua Hồng Linh giới thiệu, và cũng biết hiện tại chị là Giám đốc một xưởng in có tiếng ở Thành phố, và cũng có gặp chị vài lần đi dự ra mắt thơ… nhưng chỉ là cơn gió thoảng qua trong chốc lát. Với tôi, rất ấn tượng về chị ngay khi gặp mặt lần đầu. Chị vẫn thế! Vẫn nét xinh đẹp dịu dàng đằm thắm, mặn mà trong tà áo dài màu tím tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là lần đầu gặp chị cũng tại buổi ra mắt thơ Hồng Linh ở Gò Vấp. Và hôm nay lại vinh hạnh gặp lại chị lần nữa cũng là buổi ra mắt tập thơ của Nguyễn Hồng Linh. Lúc đầu tôi không nhận ra, tưởng là nàng Việt kiều bạn đi chung với Hồng Linh bên Đức về. Nhìn phong cách ăn mặc trẻ trung rất Tây trong chiếc váy hồng cam xinh xắn thanh thoát, cứ như là cô gái múa Ba lê vậy.
    Cả kháng phòng gần như im lặng. Toàn bộ dường như hướng ánh mắt đổ dồn về phía chị. Một cô gái có ánh mắt biết nói và nụ cười như đóa hoa hàm tiếu…
       Chả trách… Mới đó đã trôi qua 2 năm rồi mà chị vẫn vậy, nhìn có vẻ trẻ đẹp hồn nhiên hơn so với cái tuổi chị thì phải…?!
Lúc này tôi mới nhận ra. Còn chị thì cứ như trời trồng đứng nhìn tôi trong gượng gạo rồi nở nụ cười chúm chím thật tươi như chờ sự trợ giúp.
   Chợt phía bên kia bàn đối diện. Hồng Linh như lấy lại bình tĩnh nhanh miệng: “Đó là anh Vọng Thanh, Chủ nhiệm CLB Những mùa hoa ở lại”. Chị như chợt hiểu ra, rồi lấy giọng giới thiệu tiếp…

     Trong bầu không khí vui vẻ ấm áp, chan hòa, không lòe loẹt phô trương quá mức. Nhưng, ánh mắt mọi người thì cứ vơi đầy tâm sự bên ly cafe nồng nàn hương vị đầy nghĩa tình… Từng cử chỉ hành động đó, từng con tim đang khoan mình ngỡ như xa lạ, vậy mà âm ỉ thắp lên ngọn lửa trong tôi với bao điều thổn thức khó quên.
    Lúc này nhìn đồng hồ đã là 10h 30p. Tôi đành đứng dậy cáo lỗi mọi người ra về trước, vì vừa nhận cuộc điện thoại có công việc khẩn. Cầm trên tay 3 tập sách, trong đó có 2 tập thơ và 1 tập tạp chí ra về mà lòng lâng lâng hạnh phúc.

Hình ảnh buổi ra mắt tập thơ Nguyễn Hồng Linh                            

                                  ✩✩✩

     Sáng nay, tôi dậy thật sớm chạy ra quán cafe ngồi mà không quên mang theo 3 tập sách thơ tuần vừa rồi được tặng. Tôi tranh thủ chút thời gian ít ỏi lướt qua trước giờ vào làm ngồi đọc…
      Nhưng nói thật, cái máu văn chương thi phú dường như mang nhiều nghiệp duyên nợ trong tôi, nên không dễ dàng gì để tôi yên mà cứ theo xô níu rồi thôi thúc. Dù rằng viết không bằng ai, nhưng hễ có thời gian là tôi lao vào như một con thiêu thân vậy đó. Và hôm nay cũng vậy, ngoài dự kiến!…
Thôi thì… đành thuận nước đẩy thuyền vậy. Nhân đây, cũng xin gửi lời cảm ơn đến 3 nhà thơ đã dành chút tình cảm ưu ái đã kí tặng Vọng Thanh:
–   Nhà thơ tình Mạc Uyên Linh, với tập thơ Ta như thác lũ mưa nguồn
–   Nhà thơ, Nhà văn Phạm Ngọc Dũ; bút danh (Ngã Dzu Tử). Chủ biên tạp chí Diễn đàn văn học nghệ thuật – Sông Quê./ với Số Xuân 2023.
–   Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh. Chủ nhân chính của buổi ra mắt tập thơ thứ 4 lần này; với tập Thơ từ thành phố Stuttgart nước Đức.
    Vọng Thanh xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và trân quý đến 3 nhà thơ. Không gì hơn bằng sự chân thành sâu sắc. Xin được mượn chút câu từ vốn liếng ít ỏi để cảm thán vài dòng chữ thông qua trang CLB – Những Mùa Hoa Ở Lại và trang website: diendanvanhocmuahoa.com/ để lưu trữ làm kỉ niệm.
    Vâng! Theo góc nhìn VT nhận thấy ở đây. Mỗi tập thơ đều có đặc điểm cấu trúc riêng. Có thế mạnh riêng. Ngay cả phần nội dung cũng thế. Riêng ở phần trang bìa nhìn chung. Thiết kế đều xinh xắn bắt mắt, thu hút tò mò độc giả. Đó là điểm nhấn chung. Còn điểm nhấn riêng cho mỗi tác giả thì như thế nào? Xin mời quý độc giả theo chân cùng Vọng Thanh…
   Trước tiên nói về tập thơ: “Ta như thác lũ mưa nguồn” của Nhà thơ tình Mạc Uyên Linh xem có gì đặc biệt không nhé!

      Vâng! Với hình ảnh Nhà thơ được in ở trang bìa. Nhìn kĩ thì có nét phong thái cứng cỏi, đầy lạc quan yêu đời. Hình ảnh ấy đã nói lên tính cách và phong thái có ở trong thơ anh. Thế nên, tôi hơi tò mò muốn thưởng lãm ngay, và đầu tiên đập vào mắt tôi là tên bài thơ, cũng là tên anh viết thay cho lời tựa giới thiệu:

“Một đời tắm gọi sông tương
Cũng không trôi hết mùi hương đàn bà”
Hoặc 2 câu cũng nằm trong bài này:
“Đêm đêm nghe tiếng trời gầm
Bỗng dưng thèm một chỗ nằm cạnh em”.

     Với thể thơ lục bát, trong bài này có 12 câu. Nhưng được anh tách ra 2 câu một khổ ngăn cách bởi một khoảng trắng xuyên suốt từ đầu đến cuối. Tôi ngầm hiểu đó là sự sắp đặt có chủ ý, mà anh cố tình muốn cho người đọc biết rằng câu thơ ấy, như là một ngạn ngữ chỉ định về tình yêu… mới thoại nghe như có hệ lụy, có mùi dục vọng, có mùi đàn bà. Nhưng hãy suy rộng hơn, thì quả thật đúng vậy. Với ngọn bút tài hoa của Nhà thơ đã khắc họa lên hình ảnh người đàn bà không những là một bông hoa luôn ngát hương và lan tỏa trong mọi ngóc ngách cuộc sống, tình yêu…  mà còn là người mẹ, người vợ, người thiên sứ… Nên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào… thì “Sau lưng người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng phụ nữ”. Nói đến đây tôi lại nhớ đến bài hát: “Như cõi hoang vu”. Nhạc và lời – Lê Dinh.
“Không có em bầu trời như không có nắng/ Không có em muôn đời mây sẽ ngừng trôi/ Không có em gió buồn nên ngừng thổi/ Chim trời thôi không muốn bay/ Và đêm thiếu sao đầy/…
     Tôi rất ấn tượng ở câu thơ đó anh dùng từ “mùi hương” làm cho câu thơ trở nên rất đắt, và có lẽ không ai phủ nhận sự cuốn hút quyến rũ và giá trị của người phụ nữ trong trái tim người đàn ông, nhất là trong tình yêu khi được đơm hoa & kết trái, thì hẳn nhiên nó sẽ được dậy và lên hương men ngọt ngào. Và mùi hương đó nó sẽ ngấm vào từng thứa thịt, từng kí ức… mà không thể thiếu được. Chẳng hạn… những đêm mưa gió trở trời… “Bỗng dưng thèm một chỗ nằm cạnh em”.
     Thật sự hôm nay tôi mới được rửa mắt, và chứng kiến một con người thật mà đã nghe bạn bè trên fb nhắc nhiều về anh. Nhà thơ tình không tuổi Mạc Uyên Linh. Quả thật anh già theo thời gian tuổi tác, nhưng giọng thơ ấy, hồn thơ ấy, vẫn tràn đầy sung mãn trẻ trung của một thời trai tráng ngoạn mục. Bằng niềm đam mê khát khao cháy bỏng vì nghệ thuật. Anh muốn mình thắp lên nhiều hơn nữa những áng thơ tình trác tuyệt, xanh dờn như hoa lá và dạt dào hương sắc, mà không phải tàn úa hay dừng lại nuối tiếc ở phía cuối cùng, với cái tuổi về chiều…
     Xin đồng cảm những suy tư và chút niềm man mác, da diết, rất chung chiêng… cùng anh, trong khổ thơ mà theo tôi không ít người tâm đắc:
“Chiều đứng lại giữa đường nghe chim hót
ngỡ xuân về đâu biết đã vào thu
nghe nỗi buồn như ngàn năm giá buốt
tiếng yêu người theo từng bước hoang vu”.
Vâng! Một lần nữa cảm ơn anh, Nhà thơ tình tài hoa Mạc Uyên Linh. Những trang thơ tình của anh, tôi tin… sẽ mãi mãi đi vào lòng người, vào lòng độc giả những người yêu thơ, và trong đó có tôi. Xin khép lại tập thơ anh. Chúc anh có nhiều sức khỏe, nhiều cảm xúc thăng hoa để tặng cho đời những áng thơ bay nhé!

Hình ảnh tập thơ & chân dung Nhà thơ Mạc Uyên Linh

                                    ✩✩✩

      Tôi chăm chú ngồi nhìn anh viết: Thân gửi nhà thơ Vọng Thanh & gia đình. Sài Gòn 18/5/2024. Chủ biên Phạm Ngọc Dũ (Ngã Dzu Tử). Hàng chữ bút bi thanh thoát, uốn lượn, được anh phô diễn bằng những đường nét mềm mại cứ như là rồng bay phượng múa bồng bềnh. Giá như trang giấy ấy có nhiều khoảng trắng hơn, không chừng, những nét bút ấy trở thành bức tranh thư pháp tuyệt vời cũng nên… Đúng là nét chữ nói lên phong thái và tính cách tao nhân trong con người của Ngã Dzu Tử…

     Cầm tập tạp chí trên tay, tôi có ấn tượng đặc biệt. Đặc biệt ở đây, chính là nội dung phong phú, đa dạng, có chiều sâu chất lượng. Từ thiết kế bìa, đến bày trí, chọn lọc dàn trang, rất xinh xắn và bắt mắt.
–  Như: Truyện ngắn, bình luận văn học, tản văn, thơ…! Mỗi thi phẩm đều rất có giá trị, cho thấy tính chuyên nghiệp cao của đội ngũ ban biên tập. Trong đó phải đánh giá cao vai trò của người chủ biên. Ngã Dzu Tử! Một cái tên bút danh nghe như kiếm hiệp nhưng đằng sau là đầy chữ nghĩa, mà chắc chắn nó mang nhiều kí ức trong anh.
     Thật ra, tôi với anh biết nhau và kết bạn đã lâu. Anh là người con sinh ra từ quê hương Quảng Ngãi, cũng là đồng hương Nghĩa Bình trước đây với tôi khi chưa tách ra 2 tỉnh Bình Định – Quảng Ngãi. Nhưng vì điều kiện và thời gian công việc nên tôi ít giao lưu cùng anh. Tôi biết anh qua Nhà văn Le Yen cách đây đã hơn 2 năm. Lê Yên lúc đó là BTV của diễn đàn văn học Sông Quê. Anh là chủ biên của tạp chí này. Ngày ấy, LY mời tôi đến dự buổi ra mắt tờ tạp chí số… và được hân hạnh ngồi lại cùng anh nâng ly chúc mừng, cùng một số anh chị em trong giới văn chương thi sĩ sau hậu trường. Hơn thế nữa, tôi còn biết anh trải qua bao vất vả sóng gió gian nan và trăn trở, chạy đôn đáo, xuôi ngược cho đứa con này. Bao vất vả khó khăn ấy giờ cũng được đền đáp bằng những mùa trái ngọt…
      Vâng! Mùa trái ngọt ấy một lần nữa lại về trong Số xuân đặc biệt 2023 vừa xuất xưởng, chưa kịp đóng bao bì gửi đến tay bạn đọc, thì anh đã ưu ái tặng tôi. Điều đó chứng tỏ sự thịnh tình trân quý biết nhường nào, mà theo tôi chỉ có ở trong tâm hồn người nặng nợ văn chương.
    Ngã Dzu Tử!… Anh thật tài ba! Tôi không biết nên gọi anh là gì cho xứng đáng. Ở đời người ta chỉ ao ước được có một cái Nhà là quý rồi, nhưng anh lại sở hữu nhiều Nhà quá. Nhà thơ, Nhà văn, Nhà bình luận văn học, Nhà nhiếp ảnh, ngay cả món nghề của nhạc sĩ, ca sĩ anh cũng giành luôn, vậy là sao? Ngã Dzu Tử ơi! Ngã Dzu Tử…! Tôi ganh với anh đấy biết không?! Vậy tôi còn biết gọi anh là gì nhỉ? Nghệ sĩ ư?!… Hay anh chỉ muốn để cho thời gian trôi, và người đời tự ngẫm…? Liệu những mùa gió chướng lại về, cánh chim phiêu bạc qua mùa còn đủ vỗ cánh cho những khúc du ca không…?!
     Xin gửi đến quý độc giả yêu thơ nguyên bài thơ “Du tử ca” của anh, để các bạn đọc ngẫm và nghe những lời tự sự bộc cảm từ anh nhé!                                                                            

“Du tử ca bốn phương trời                                            Vang vang khắp nẻo trùng khơi quan hà          Đời lãng tử nợ phong ba                                           Đắng cay gom lại – thăng hoa cánh diều

Mưa rừng gió phố đìu hiu
Bước đi động vọng trăng chiều miên man
Đôi chân: – vượt suối băng ngàn
Tài hoa gửi cánh chim Hoàng Hạc bay

Lời thơ không mỏi tháng ngày
Tình Em, sông núi trên tay hiện hình
Về thành hát những câu kinh
Mưa Từ hạnh phúc, ô, hình như Em

Tơ vàng chỉ thắm là duyên
Hát ca chung với con thuyền quê hương

Nửa đời gió núi ngàn sương
Kết thơ làm chiếu mà thương nhớ ngày
Nửa đời tan hợp cùng mây
Chở vào hồn những mê say cõi người.”

Chả trách anh đặt cho bút danh mình là Ngã Dzu Tử. Một con người… một phận đời nặng nợ với văn chương thi ca. Lời thơ ấy nghe lang bạt lắm, phong sương lắm, và cũng bềnh bồng tựa mây khói bên trời, như kẻ phiêu du ung dung tự tại, thanh thản đầy lạc quan, nhưng cũng có lúc chùng xuống trầm lắng cơ hồ độc bước. Nhưng không! Bởi trong tâm của kẻ du tử dù có hắt hiu hay sầu tủi, bao giờ cũng biết cách để giải tỏa tâm hồn mình bằng lời thơ ý nhạc.
     Tôi cực kì ấn tượng trong khổ thơ này… “Lời thơ không mỏi tháng ngày/ Tình Em, sông núi trên tay hiện hình/ Về thành hát những câu kinh/ Mưa từ hạnh phúc, Ô, hình như Em”.
     Cảm ơn anh! Nhà văn, Nhà thơ, Ngã Dzu Tử. Chúc anh gặt hái nhiều thành công trong VHNT và là người tâm huyết, trách nhiệm với vai trò chủ biên luôn hoàn thành xuất sắc với Sông Quê nhé!
     Chào tạm biệt và hẹn gặp anh một ngày gần nhất.

 

Hình ảnh tạp chí Diễn đàn văn học nghệ thuật Sông Quê & chân dung Nhà thơ Ngã Dzu Tử

                                 ✩✩✩

     Thấm thoát trôi qua mới đó đã đến một tuần nữa rồi. Kể từ hôm dự ra mắt tập thơ Nguyễn Hồng Linh.
     Thành thật mà nói. Tôi cũng không nhớ là mình quen biết nhà thơ Hồng Linh tự bao giờ? Tôi chỉ biết là mình rất may mắn được làm bạn, và được vinh hạnh 2 lần mời dự ra mắt tập thơ của Hồng Linh.
    Điều đó đủ nói lên cái duyên thơ tự tìm nhau tiếng nói chung rồi sinh sôi nảy nở qua tâm hồn thi nhân.
     Vì vậy nói đến thơ Hồng Linh tôi không biết nói bao giờ cho hết. Một kho tàng văn học đồ sộ, một khu vườn phồn thực cứ thế se sua lan tỏa. Nếu tính tổng thể cả thơ – văn cũng ngót nghét gần cả 1000 bài. Và nghe đâu chị chuẩn bị ra mắt tiếp một tập thơ mới nữa mang tên: “Tự tình với trăm năm” đang chờ cấp giấy phép.
Còn riêng về tập thơ ra mắt lần này. Theo những gì cá nhân tôi thấy. Có sự đột phá trong ý tưởng, nội dung và cách viết. Ngay cả thiết kế ảnh bìa, cũng có sự gắn kết tương quan giữa 2 màu đen trắng, làm nổi bật hình ảnh chân dung và con chữ khá độc đáo. Điều đó cho thấy sự mới mẻ cách tân, hiện đại và có đầu tư.

     Nhìn chung, tôi đã đọc lướt qua hết 3 tập sách thơ của 3 tác giả. Trong đó có một tạp chí Sông Quê của Ngã Dzu Tử và 2 tập thơ còn lại. Tuy là chưa đọc hết đầy đủ trọn vẹn. Nhưng có một điểm nhấn đặc biệt mà tôi thấy đáng được nêu ra ở 3 tác giả này.
Nếu ai đó nhắc về Mạc Uyên Linh, và hỏi tôi bài thơ nào anh tâm đắc nhất. Thì có lẽ tôi không chần chừ mà trả lời ngay.                                           Đó là 2 câu thơ trong bài thay cho lời tựa giới thiệu: “Một đời tắm gọi sông tương/ Cũng không trôi hết mùi hương đàn bà/.

     Hay nói về Ngã Dzu Tử, thì tôi lại ấn tượng 4 câu trong bài “Du tử ca”: Lời thơ không mỏi tháng ngày/ Tình Em, sông núi trên tay hiện hình/ Về thành… hát/ Mưa… hình như Em/.
      Vậy còn Nguyễn Hồng Linh thì sao?                  Với tôi rất ấn tượng ở bài thơ “Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ “ được in ngay ở phần trang bìa mặt sau, nguyên bài thơ cực kì đặc biệt:

Từ người đi khép lại mùa trăng nhớ
Dấu rêu phong đã chạm cõi tình mơ
Cánh thiên di bỡ ngỡ khuất chân trời
Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ”.
Trích ra từ bài thơ (Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ). Bởi ở khổ thơ này làm người đọc bị cuốn theo “mùa trăng nhớ”. Là đánh dấu sự khép lại cho một mối tình đẹp, kể “từ người ra đi…”. Và tại sao tôi phải nói là mối tình đẹp?! Nếu không đẹp thì sao nhà thơ phải nói “nhớ”. Hơn nữa tình yêu này đánh dấu nhiều kỉ niệm ở mùa trăng. Từ đó suy ra có 2 luồng tư tưởng để nhớ: Thứ nhất là có gì đó ấn tượng khó quên/ Thứ hai là hận thù… Vì vậy trong khổ thơ này ta không tìm thấy từ nào về hận thù cả, mà chỉ có thấy sự dằn vặt, và tiếc nuối, để rồi nó như một cuộc tình chạm đến ảo ảnh của giấc mơ không trọn vẹn, không hội ngộ, không nảy mầm. Mà nó chỉ là thời gian, đời người… neo lại trên đôi cánh thiên di đưa ta về với cát bụi, với lời mộ địa, cỏ xanh…
     Bài thơ này Hồng Linh đã nhấn mạnh 3 từ qua các khổ thơ, được lập đi lập lại nhiều lần: “Từ người đi cỏ…/ Từ người đi trăng/ Từ người đi khép/ Từ người đi đã…”
Chưa dùng lại ở đó. Mà tập thơ lần này  Hồng Linh ra mắt có khá nhiều bài hay. Chẳng hạn thơ 1-2-3 như: “Đại lộ Konigstrsse một ngày nắng; Sông Neckar hiền hòa chảy qua cổ kính và hiện đại; Sẽ đưa anh về Stuttgart một ngày hoa nắng rực rỡ”.vv…
     Hoặc bài: Mùa thu đi ngang cửa. Ở bài này Hồng Linh cho ta xem một bức tranh mùa thu ở Stuttgart bằng nét họa tuyệt tác, mà tôi hình dung được. Nó rất đẹp và cũng vừa vặn thu vào tầm mắt một ánh nhìn… không gần, cũng không xa, đủ để kiểm soát được từng cử chỉ của “lá cây chuyển màu đỏ an nhiên …” từng tiếng động của những “ngôi nhà đang leo nhẹ nhàng trên sườn núi ánh vàng” hay nghe từng tiếng của “con đường dốc nằm thở…” . Tất cả đều uyển chuyển nhẹ nhàng, tạo nên bức tranh vô cùng sống động. Chỉ hơi tiếc… là thiếu một bàn tay chìa ra, nếu không đâu có chỗ cho chiếc lá vàng rơi nằm chễm chệ trên ghế đá công viên…

“Mùa thu đi ngang qua cửa

Sót lại những chiếc lá vàng rơi trên ghế đá công viên
Hàng cây nằm nghiêng mình bóng in long lanh đáy nước

Những ngôi nhà đang leo nhẹ nhàng trên sườn núi ánh vàng
Con đường dốc nằm thở tươi cười dưới nắng
Lá cây chuyển màu đỏ an nhiên trên những cánh rừng.”

     Bằng sự trải nghiệm trong cuộc sống nói chung và tình trường nói riêng. Nhà thơ Hồng Linh đã trải qua bao biến cố thăng trầm trong cuộc đời, trong đó có con đường tình duyên lận đận kém may mắn. Nhưng cuối cùng, chị vẫn tìm được nguồn khai thông hạnh phúc trong thế giới nội tâm của mình. Bằng ngọn bút ấp yêu, làm đẹp cho đời, cho mình, qua những trang thơ ngọt ngào xúc cảm.                                                             Vâng! Đó là những gì hào sảng nhất mà tôi thấy được ở 3 tập sách, thơ của 3 tác giả, ở góc cá nhân tôi. Còn các độc giả có cái nhìn đánh giá như thế nào? Thì hãy liên hệ đến các Nhà sách hoặc Tác giả để tìm hiểu thông tin nhiều hơn nhé! 

       Xin khép lại một Tháng 5 với bao điều còn dang dở, khuyết tròn chưa được vẹn nguyên. Nhưng hãy tạm gác lại để lắng nghe một thoáng nghiêng lòng của Tháng 6 qua những khúc Hạ rơi, hoặc qua lời tự tình của nhà thơ tài hoa Mạc Uyên Linh. Hay lang thang đâu đó qua góc phố, hàng cây, con đường, thử đắm mình vào cái nắng mưa Sài Gòn, để nghe tiếng bàn chân hoang hoải của kẻ Du Tử… Hoặc quán tưởng xa hơn, về dòng sông Neka thơ mộng hiền hòa, về những khu vườn Schlossplatz xinh xắn có Cột Thánh xưa… nghe tiếng vó ngựa của những chàng kỵ sĩ thời hua William vọng về từ Thành phố Stuttgart nước Đức của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh nhé!

Sài Gòn 5/ 2024
Vọng Thanh

 

Tập thơ & ảnh chân dung Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh

Leave Comments

0976712244
0976712244