BÔNG CÚC XANH/ Truyện ngắn - của nhà văn: Hoàng Thị Bích Hà - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

BÔNG CÚC XANH/ Truyện ngắn – của nhà văn: Hoàng Thị Bích Hà

BÔNG CÚC XANH                                                        Truyện ngắn – Hoàng Thị Bích Hà            ————————–꧁꧂—————————–

 

Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường. Mỗi nàng mỗi vẻ đều rất xinh, thu hút mọi ánh nhìn. Đó là: Hoàng Cúc, Bạch Cúc và Thanh Cúc là ba gương mặt sinh viên năm thứ nhất mới toanh sáng nay. Hoàng Cúc có gương mặt sáng, mắt đen láy, mái tóc buông lơi trong bộ áo dài màu vàng tươi. Bạch Cúc trong tà áo trắng còn vương vẻ tinh khôi của tuổi mười tám chưa xa. Nàng để tóc thề xỏa ngang lưng, nước da trắng mịn màng, đôi mắt bồ câu với đôi má ửng hồng. Thanh Cúc bận áo dài xanh thiên thanh, dáng người cân đối, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt buồn như mặt nước hồ thu. Nhưng mỗi lần nàng nói chuyện với bạn bè nở nụ cười tươi rói và rất duyên dáng. Buổi lễ đón tiếp kết thúc. Nhóm đàn anh ngồi ngay hàng dưới lân la làm quen, bắt chuyện với mấy tân sinh viên. Mấy em mới vào có gì bỡ ngỡ, như cần sách vở, tài liệu, phòng trọ,… có gì cần giúp đỡ mấy anh đây sẵn sàng. Mấy em thoạt đầu cũng còn dè dặt nên cũng chỉ trao đổi năm ba câu xã giao rồi tạm biệt. Mọi người ra về!

Hoàng Tùng đi chậm gần Thanh Cúc, anh hỏi Thanh Cúc ở đâu? 

– Dạ em ở quận Tư anh!

– Ồ vậy anh về quận 7 anh cũng qua đường Nguyễn Tất Thành (đường Trịnh Minh Thế cũ).

Sau này, khi vô tình, khi cố ý Hoàng Tùng gặp Thanh Cúc trong thư viện, hội trường,… câu chuyện anh em lớp trước, lớp sau dần tỏ ra thân thiết. Anh cũng đã biết chỗ ở của Thanh Cúc nên nhiều khi ghé qua rủ đi học, đi phô tô tài liệu, có sách gì hay thì Hoàng Tùng đều mang đến cho Thanh Cúc. Anh thường gọi nàng là Bông Cúc Xanh, để phân biệt với hai cô bạn thân của nàng là Bạch Cúc (bông cúc trắng) Hoàng Cúc (bông cúc vàng). Hoàng Tùng cũng là một gương mặt điển trai nên đi bên cạnh Thanh Cúc cũng rất đẹp đội hình. Hai nàng Cúc Trắng, Cúc Vàng bảo vậy! “Chưa biết ngày mai ra sao chứ bây giờ tao thấy ảnh đi với mày cũng xứng đôi!”. Tình cảm hai người ngày càng mặn mà! Đi về nhớ nhau, ít có thể rời nhau được! 

Khi Thanh Cúc học năm thứ ba, thì Hoàng Tùng cũng năm cuối, chuẩn bị ra trường. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Tùng xin được vào làm ở một công ty nước ngoài bên quận Bảy. Anh cũng thưa với gia đình là anh đã có ý trung nhân. Xin cuối tuần đưa Thanh Cúc về ra mắt gia đình. Mẹ anh bảo: 

– Ừ cứ đưa về chơi, nhưng thong thả để xem gia cảnh ra sao đã.

Chủ nhật, Hoàng Tùng đưa Thanh Cúc về ra mắt gia đình. Gia đình Hoàng Tùng thuộc hàng khá giả. Sau những giây phút dò xét ngỡ ngàng, Thanh Cúc rất run, nhưng có Hoàng Tùng động viên để cô vững tâm. Sau khi hỏi về gia cảnh gia đình, cha mẹ làm nghề gì ở đâu,… như là một cuộc sát hạch nhân sự.

Sau buổi đó, mẹ Tùng bảo:

– Về hình thức thì được nhưng phải xem đã: “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, chưa vội!

Rồi mẹ Tùng tìm tới gia đình, thăm qua hàng xóm nhưng không vào. Cũng biết Thanh Cúc con nhà nghèo, ba mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn bán tần tảo ở chợ Xóm Chiếu nhưng cũng cố gắng cho con ăn học.

Về nhà mẹ Hoàng Tùng không đồng ý cuộc hôn nhân này vì không môn đăng hộ đối. Bà bảo gia đình mình có công ty riêng, bạn bè toàn doanh nhân, giàu có thiếu gì nơi mà đâm đầu vào làm rể nhà nghèo mạt rệp. 

Hoàng Tùng nghe mẹ phán vậy anh đau khổ vô cùng, mặt buồn rười rượi. Nhưng anh không thể xa Thanh Cúc được. Anh nói với Thanh Cúc để từ từ anh thuyết phục gia đình. Thanh Cúc nghe vậy mặc dù rất yêu Tùng nhưng thấy trở lực vậy, Cúc cũng khuyên Tùng nên vâng lời gia đình. Chúng mình thương nhau vậy nhưng để đi tới hôn nhân là điều không hề dễ, xem như chúng mình có duyên mà không nợ. Nhưng Hoàng Tùng vẫn không thay đổi ý định. Hàng ngày ngoài giờ làm anh vẫn dành thời gian bên Thanh Cúc, động viên nàng học hành cho tốt. Rồi nàng thi tốt nghiệp và cũng xin được việc làm. 

Hoàng Tùng vẫn cương quyết với gia đình là cưới Thanh Cúc, nếu không chàng không quen ai nữa. Gia đình ba mẹ Hoàng Tùng đành phải làm đám cưới cho hai đứa. Biết rằng vượt qua rào cản của gia đình để đến được với nhau là điều không dễ dàng nên hai anh chị càng yêu quý nhau hơn. Về Phần Thanh Cúc thì hết sức cố gắng làm tròn bổn phận dâu con. Ngoài giờ làm, nàng về phụ việc nhà, đảm đang, chu toàn, hiền thục không chê được chỗ nào. Mặc dù mẹ chồng nàng là người ít cởi mở, mặt lúc nào cũng cau có nhưng Bông Cúc Xanh thì vẫn nhẫn nhịn, biến phận mình nên cố gắng chu toàn mọi lẽ và hiếu thảo với cha mẹ. Bông Cúc Xanh quả là một cô dâu hiền, chịu thương chịu khó và là người vợ giỏi giang. 

Nhưng đời lại không công bằng với nàng, đã năm năm rồi mà nàng vẫn chưa sinh được đứa con nào cho gia đình chồng. Một hôm hai vợ chồng bàn nhau đi khám. Biết kết quả Hoàng Tùng vô sinh, nhưng nàng không tin. Nên cứ giấu Tùng, hi vọng một phép màu sẽ mỉm cười với nàng. Hàng ngày nàng lo bồi bổ cho chàng để sớm đạt kết quả. 

Dạo này chàng thường hay về khuya, khi đi công tác cuối tuần, về nhà ít ngó ngàng tới nàng. Một hôm nàng nhận được một cuộc gọi từ số lạ, giọng nữ:

– Alo có phải chị là Thanh Cúc vợ anh Hoàng Tùng không?

– Vâng tôi đây! Xin hỏi chị là ai, gọi cho tôi có việc gì?

– Tôi làm cùng cơ quan với anh Tùng, chẳng giấu gì chị, tôi đã có thai với anh Tùng hơn 3 tháng. Chị không có con được thì chị hãy buông tha cho anh Tùng, để cho con tôi có cha!

Thanh Cúc nghe bỗng rụng rời như trời đất sắp sụp đổ, nhưng chị cũng bảo:

– Tôi không tin, chị chớ có đùa, chồng tôi rất yêu thương tôi, không thể có chuyện đó được! 

– Chị không tin cứ hỏi thẳng anh Tùng! Cúp máy!

Lòng chị nặng trĩu buồn như tận thế, lòng nửa tin nửa ngờ nhưng chị vẫn không nói gì, đi làm về vẫn chu toàn công việc gia đình, chăm sóc chồng và ba mẹ chồng chu đáo, nhưng thái độ của anh có vẻ ít nói lầm lỳ hẳn.

Một tuần sau, chị nói với anh rằng: “Anh à! Có cô gì gọi điện nói với em như thế này, thế nọ,…nhưng em không tin. Em nghĩ vợ chồng mình thương nhau thế này và để có nhau phải vượt qua khó khăn lắm mới đến được với nhau. Không dễ gì một sớm một chiều mà như cổ nói”.

Hoàng Tùng nhìn bâng quơ rồi trả lời:

– Em không sinh được thì để người ta sinh con cho anh!

Một câu nói không thể phũ phàng hơn!

Chị ôm lấy tim mình nghẹn ngào, mà nghe tiếng lòng thổn thức: “Ôi tuổi trẻ của ngươi, xuân sắc của ngươi, tình yêu đầu đời của ngươi kết cục thê thảm vậy sao”?

 Không còn hoài nghi gì nữa. Lần này thì chị phải tin rồi vì chính chồng chị buông lời cay đắng với chị chứ không ai khác! Nhưng để có trước, có sau chị đề nghị gặp cô ấy và nói cho rõ ba mặt một lời và hỏi xem ý kiến bố mẹ chồng. Dù gì chị cũng là dâu con trong nhà có cưới hỏi đàng hoàng.

Cuối tuần anh dẫn cô ta về sau khi đã thông báo cho gia đình biết. Mẹ chàng nghe cổ có bầu (thấy cái bụng đã lùm lùm như thai kỳ ba tháng) thì mừng ra mặt. Bà tiếp đón cô ta một cách ân cần, và càng tỏ thái độ lạnh lùng hơn với Thanh Cúc. 

Trước tình hình đó thì thôi, không thể cứu vãn nữa, Thanh Cúc đồng ý ra tòa ly hôn. Ra tòa không có tài sản gì để chia vì làm ăn chung ở chung với gia đình chồng, tiền bạc làm ra lo trang trải chợ đò cơm nước, chi tiêu nên nàng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo và cái xe cũ kỹ sắm từ hồi còn sinh viên.

Chị trở về quận Tư sống với mẹ. Mẹ chị đơn chiếc, nay cũng trên bảy mươi tuổi rồi. Hai mẹ con, no đói có nhau trong tình yêu thương ruột thịt. Chị thấy có khi xui mà thành hên! Đi lấy chồng, sống bên nhà chồng để mẹ đơn chiếc trong tuổi già. Con gái về nhà chồng để đi xây hạnh phúc, cũng được chồng thương lúc mặn nồng, còn gia đình chồng thì khó sống. May mình còn mẹ để khi vấp ngã còn có chỗ bấu víu. Bây giờ về sống với mẹ được thật ấm áp. Nỗi bất hạnh về hôn nhân đầu đời tan vỡ, khi trở về bên mẹ đã được an ủi phần nào. Chị giờ nhìn thấy đàn ông là chị sợ, nghĩ tới hôn nhân mà tởn ốc nên chị dặn lòng là thôi không còn tha thiết gì chuyện yêu đương nữa!

Ba năm sau, chị gặp anh Kiến Trung! Người đàn ông chửng chạc hơn chị 4 tuổi, làm việc trong siêu thị gần nhà chị, ở cùng phường với chị. Anh tốt với chị, với mẹ chị. Anh cũng từng trắc trở trong đường tình duyên lỡ một lần đò nên anh yêu thương chị lắm! Đi làm về dù mưa hay nắng cũng đều ghé qua nhà chị chăm sóc chị và mẹ chị ân cần coi mẹ chị như mẹ đẻ. Anh chị hiểu gia cảnh của nhau nên càng quý nhau hơn! Anh cầu hôn với chị! Chị đề nghị anh ở rể để chị tiện chăm sóc mẹ già. Anh đồng ý và hai người đi tới hôn nhân với một đám cưới nhỏ gọn chỉ mời vài bàn cùng bà con và bạn bè thân hữu. Anh chị sống rất hạnh phúc, rồi chị có đứa con gái đầu lòng xinh xắn (đặt tên bé là Ngọc Bội). Gia đình đầm ấm, tràn ngập tiếng cười vui ríu rít của con.

Một hôm chị dắt bé Ngọc Bội đi trong siêu thị chợt Hoàng Tùng từ đâu lao đến ôm chầm lấy chị. Chị bất ngờ thảng thốt, rồi chị từ tốn gỡ tay anh ra, đoạn bảo:

– Anh đừng làm thế! Kỳ lắm! Bây giờ chúng ta quan hệ đã khác xưa rồi! 

Chị quay lại nhìn thấy anh khác quá! Nay anh tiều tụy, già hẳn đi và có bơ phờ tả tơi lắm! Chị nhủ thầm: “đâu rồi hình ảnh một Hoàng Tùng điển trai lịch lãm ngày xưa!”

 Hoàng Tùng hỏi chị: 

– Con ai đây?

– Con gái em đó! 

Anh nhìn bé rưng rưng rồi anh nói với chị rằng: 

Anh không hạnh phúc, anh bị cô ta lừa, cô ta mang thai giả. Anh rất ân hận khi chia tay em! Anh xin lỗi, ngàn lần xin lỗi em!

 

Ảnh nhà văn – Hoàng Thị Bích Hà 

 

  • Anh đừng nói gì nữa. Việc anh không có con, em đâu phải không biết. Em biết từ lần hai vợ chồng đi khám ở bệnh viện Từ Dũ rồi. Có điều em sợ anh buồn, sợ anh tổn thương! Hơn nữa em vẫn nuôi hi vọng, biết đâu trời ngó lại khi mình sức khỏe đủ đầy. 
  • Sao hồi đó em không nói cho anh biết là anh không có con?
  • Không nói cũng hóa ra lại hay, thế mới biết biết bộ mặt thật của anh, và dẫu nếm mùi cay đắng và sự phũ phàng anh đã dành cho em mà em không ngờ tới! 
  • Thôi bây giờ mọi chuyện đã là dĩ vãng, anh cũng đừng nói gì nữa, vấn đề của anh không liên quan gì đến em nữa rồi anh ạ. Bởi vì em đã có gia đình và đang rất hạnh phúc. Anh thấy đó, chúng em đã có con. Con gái em là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của vợ chồng em!

Rồi chị chào anh và dẫn bé đi đến chỗ khu vui chơi dành trẻ con để cho bé chơi, đợi ba đi làm về sẽ ghé đón hai mẹ con. Anh đứng nhìn theo hai mẹ con chị mà mặt buồn rười rượi. 

… Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại chị, lúc này chị đã có hai đứa con đã lớn. Con gái đầu: Ngọc Bội, con trai út Hoàng Nam. Ngọc Bội năm nay đã là sinh viên năm thứ 4 của trường ĐH Kinh tế, còn Hoàng Nam là sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Kiến Trúc TP HCM. Hai chị em học hai trường cạnh nhau ở quận 3 nên chị em thường đi chung, bảo ban nhau chuyên tâm vào học tập. Chị nhìn các con cười âu yếm: “Nhìn từ kinh nghiệm cuộc đời của thế hệ trước, các con của thời sinh viên, tuổi trẻ lo học là chính để kiếm tương lai, chẳng yêu đương gì cho sớm, khó giữ nổi hạnh phúc. Dĩ nhiên khó nhưng không phải không có, mà xác suất hạnh phúc trọn vẹn không cao! Thôi tụi con đi làm ổn định rồi sẽ tính!”

Nếu có một lời nhắn thì chị nhắn gì cho những người bội tình.

 Chị bảo:

 – Gieo nhân gì gặp quả nấy. 

Còn tôi – người viết truyện thì nghĩ rằng: Phụ tình – tình phụ.

 Truyện này lúc đầu tôi cũng định đặt tựa là Phụ Tình – Tình Phụ. Nhưng tôi lại muốn để tên chị Bông Cúc Xanh – tên gọi yêu thương -người phụ nữ hiền thục – sống hết lòng với bổn phận dâu con, nhưng cũng phải trải qua phù trầm dâu bể. Và cuộc đời cũng đã mỉm cười với chị, đền đáp cho chị chặng đường sau hạnh phúc viên mãn.

Saigon, ngày 01/7/2024
Hoàng Thị Bích Hà

Leave Comments

0976712244
0976712244