HƯƠNG BỒ KẾT CÓ GIỮ MÀU TÓC XƯA - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

HƯƠNG BỒ KẾT CÓ GIỮ MÀU TÓC XƯA

ĐẾN VỚI BÀI THƠ: “HƯƠNG BỒ KẾT CÓ GIỮ MÀU TÓC XƯA” CỦA NHÀ THƠ PHAN DUONG

  Lời bình: Nguyễn Thúy Nga.

……
Phàm là những người làm thơ đều có tâm hồn đa cảm. Quê hương, những ký ức về quê hương luôn là những nỗi nhớ đau đáu thường trực trong lòng.
   Biết là vậy, nhưng viết về đề tài này hay đến mức tạo ra dấu ấn lại vô cùng khó vì đã có quá nhiều người viết, rất nhiều nhà thơ đã thành danh ở mảng đề tài này. Tất cả những thứ bình dị đã thành tượng đài vĩnh cửu, định danh nỗi da diết ở trong lòng mỗi con người.
Trong bài thơ: “Hương bồ kết có giữ màu tóc xưa” dưới đây, NT Phan Duong cũng đã viết:
“Tình người gieo hạt vun trồng thành cây”
Các cặp lục bát trong bài thơ đã lần lượt đưa ra những định danh ấy:

1/ “Nhớ thời cơm nắm bằng mo*
Đèn dầu thấp thoáng, chân vò* lúa đêm
Gặp nhau mời miếng trầu têm
Giản đơn ngày tháng êm đềm trôi qua”
2/ “Nước về xăm xắp đồng xa.
Con cua đã biết đùn mà * cửa hang
Dẫu rằng chỉ biết ” bò ngang”
Thiếu nhau liệu có thành làng quê không? “
3/ Hai cặp tiếp theo:
” Nhớ thời sương phủ thành sông
Tình người gieo hạt vun trồng thành cây
Nước sông quyện với màu mây
Đôi bờ cây cỏ mọc đầy, hoang sơ…”
4/ Rồi đến hai cặp sau nữa:
“Mặt ao nắng đã giăng tơ…
Một đàn sáo sậu bất ngờ vụt bay
Áo ai vương hạt cỏ may
Nồng nàn rơm rạ phơi đầy mặt sân”
5/ Sang hai cặp lục bát cuối cùng:
” Nhớ thời bùn lội ngập chân
Mười phần đã gửi chín phần cho nhau
Phần còn giờ cứ nhói đau
Hương bồ kết giữ được màu tóc xưa?”

Đến khổ này ta mới thấy sự tinh tế, tạo dấu ấn riêng của tác giả. Trong bốn phần đầu (mỗi phần hai cặp lục bát), vốn là những thứ đã xếp vào hàng bất biến ở trong lòng những người đã từng ở những vùng quê (cụ thể là ở vùng đồng bằng Bắc bộ).
Phần thứ năm vẫn tiếp các mạch thơ trên, nhưng hồn quê ấy “mười phần đã gửi chín phần cho nhau”

“Phần còn giờ cứ nhói đau
Hương bồ kết giữ được màu tóc xưa?”
Dội ngược lại là một cảm xúc trăn trở: Liệu sự thay đổi của quê hương theo thời gian có làm cho ta cảm thấy xa lạ, lạc lõng ở chính nơi ta đã đã sinh ra?… Thủ pháp so sánh điêu luyện khiến cho cảm xúc người đọc nghiêng về phía da diết, lắng sâu theo nhịp thơ, như thể cả một trời ký ức tràn về cùng hồn con chữ.
Đọc đến đây tôi có cảm giác say và thành ra hồ đồ chăng? Cụm từ “chín phần cho nhau” và “hương bồ kết” liệu có phải viết về một người phụ nữ thôn dã xa xôi nào đó? Điều này có lẽ chỉ có tác giả mới trả lời được cho bạn đọc mà thôi. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi những hình ảnh sinh động của một vùng thôn quê như đang hiển hiện ra trước mắt, mê hoặc người đọc.
Bố cục bài thơ là sự đan xen giữa tình đất và tình người. Bất chợt nhớ đến câu lục bát của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
” Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Thấm bao mưa nắng mà thành quê hương”
Không chỉ mưa nắng mà còn là tình đất, tình người cứ lớn dần trong ký ức mỗi người để mà thành nỗi nhớ nhung da diết…
Xem ra lúc này, mọi cảm xúc trở nên mạch lạc hơn, cái thứ có “chín phần dành cho nhau”, và chỉ còn “một phần” giữ ở trong lòng vẫn đau đáu một câu hỏi để kết thúc bài thơ “hương bồ kết” liệu có giữ được “màu tóc xưa”?
Hình tượng “màu tóc xưa” có thể là bóng dáng một người phụ nữ, là sự trong trẻo, mộc mạc của làng quê, những kỷ niệm không thể phai mờ, hoặc có khi cả một thời thanh xuân của chính mình trong đó.
Bài thơ mang âm hưởng ca dao nhưng thấm đẫm trải nghiệm cụ thể, bằng chiều dài đời sống thăng trầm một kiếp người.
Cái riêng và cái chung lúc này đã hòa lẫn vào nhau thành mặc định tất yếu như hơi thở, như hiển nhiên là thế.

  Tôi vốn là người không thích “xăm xoi” vào cảm xúc thơ, nhưng hôm nay đã thử bới chữ tìm hồn…
Rất vui, tôi đã gặp hồn mình thất lạc trên cách đồng ngôn từ gợi nhớ về một khoảng trời ký ức này. Và cũng thật may, lúc ấy, tay tôi cũng đã chạm được vào hồn thơ…
————
28/10.2022
NTN

Leave Comments

0976712244
0976712244