THÁNG BẢY MÙA TRI ÂN/ Giới thiệu chùm thơ hay viết về 27.7 - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

THÁNG BẢY MÙA TRI ÂN/ Giới thiệu chùm thơ hay viết về 27.7

           Các bạn thân mến!
 Hàng năm ngày 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đối với người Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Cứ đến ngày này cả nước hướng về nghĩa trang liệt sĩ để thành kính dâng hương tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Đây cũng là dịp để các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh.

     Thưa các bạn!
     Chiến tranh đã qua lâu rồi để lại những mất mát, đau thương cho biết bao gia đình không gì bù đắp nổi. Hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã cống hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ Quốc, dũng cảm chiến đấu, hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã đổ tô thắm lá cờ của Tổ Quốc thân yêu.

… CLB-TTNMHOL xin giới thiệu cùng bạn đọc những bài thơ hay viết tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân ngày 27.7, đăng trên trang web diendanvanhocmuahoa.com/ Mời các bạn cùng đón đọc! 

(Tất cả hình ảnh được sưu tầm trên Google mạng)

 

Bài 1
THĂM LẠI NGHĨA TRANG.
Tác giả: Nguyễn Dậu

(Kính tặng những đồng đội của tôi đã ngã xuống vì Độc lập tự do cho Tổ Quốc)

Nay tôi về thăm lại nghĩa trang xưa
Nơi anh nằm và đồng đội anh ở đó
Hàng dọc hàng ngang khắp mọi miền đều có
Đất nước tự hào vẫn mãi mãi khắc ghi.

Tổ quốc gọi anh cất bước ra đi.
Bỏ lại sau lưng tình yêu vừa chớm nở.
Bỏ lại giảng đường và những trang sách vở
Bỏ lại hương nồng và một bóng hình ai.

Anh lên đường làm nhiệm vụ đời trai.
Bốn mươi chín năm ngày tháng cứ dặm dài.
Bao nỗi nhớ cứ mơ ngày trở lại
Đôi mắt Mẹ đã mờ lòng tê tái.

Ngày trở về cho Mẹ được vui hơn
Nhưng ngờ đâu nơi ấy giữa Trường Sơn
Anh ngã xuống khi mùa hoa ban nở.

Đất nước khải hoàn đang viết bản hùng ca
Bắc Nam Trung ta về lại một nhà
Vang khúc hát dựng xây đời no ấm
Cờ đỏ tung bay trên trời cao lồng lộng
Đất nước thanh bình dân tộc mãi khắc ghi.

Chiều nghĩa trang như ai nói thầm thì
Hương nghi ngút trong nắng chiều tĩnh lặng
Chúng tôi về trong nỗi đau nghẹn đắng
Thương nhớ vô vàn đồng đội của tôi ơi.!

……

Bài 2

GIỮ THÀNH QUẢNG TRỊ               

Tác giả: Nguyễn Hữu Nguyên

Người lính này đi qua cuộc chiến tranh
Tuổi mười bẩy ở bên thành Quảng Trị
Đêm khuya lắm, tám mốt ngày không nghỉ
Giữ vững thành cùng đồng đội tôi ơi

Đêm hoa đăng trời lại sáng lên rồi
Dòng Thạch Hãn suốt đời tôi ghi nhớ
Những vết máu loang, những thư viết dở
Đã lại về trong ký ức của tôi

Chiến tranh này ai thấu hiểu mình ơi
Bao chết chóc đau thương này gánh cả
Những chiến sỹ giọt mồ hôi lã chã
Pháo dập bom khoan vất vả chiến trường

Đồng đội ơi! Tôi nén những đau thương
Trong đổ nát vẫn còn nghe tiếng khóc
Gian nan đấy biết bao nhiêu khó nhọc
Những vong hồn còn phảng phất đâu đây

Tám mốt ngày đêm rên xiết bom cày
Bao vết tích giữ thành nay còn đó
Dòng Thạch Hãn vẫn hằn nguyên vết đỏ
Quảng Trị ơi! Năm tháng chẳng phai nhòa

Chiến thắng rồi đất nước lại nở hoa
Thăm đồng đội nén tâm nhang tôi thắp
Thương bạn quá trút hờn trên đầu giặc
Tôi lại về Quảng Trị mãi yêu thương.

Quảng Trị tháng 2/2024.
……

Bài 3

TÌNH CA BẤT TỬ
Tác giả: Tiến Dũng Phạm

Hát lên anh bản tình ca bất tử
Trên điểm cao chiến sự đẫm máu đào
Dải biên cương ngày giỗ trận* tự hào
Những hồi ức đã tạc vào sử sách

Thanh Thủy Vị Xuyên bức tường đá vách
Pháo đạn kẻ thù cứa rách ngày đêm
Hoa mộc miên đỏ rực lửa chưa quên
Dòng Lô giang sóng gào lên uất hận

Đá và lính bện kết thành thế trận
Bao người con giữ vận mệnh non sông
Vịn câu từ sống bám đá kiên trung
Chết hóa đá danh hào hùng bất tử

Hát nữa đi anh tình ca quyết tử
Bên cây đàn phách nhạc giữa bao la
Vị Xuyên hôm nay đẹp lắm ngàn hoa
Ngọn cỏ cành cây chan hòa sức sống

Dải đất biên thùy rừng xanh gió lộng
Gieo vào lòng nghĩa khí vị nhân sinh
Cao điểm chốt đài tưởng niệm hương linh
Người may mắn rưng rưng ghìm nước mắt./.

Bài 4
TÌNH NGƯỜI ẤM THÊM
Tác giả: Ngô Ngọc Quảng

Chiến tranh khốc liệt lùi xa
Vết thương nhức nhối chưa qua năm dài
Chiến trường bom, đạn chưa phai
Da Cam Mỹ thả dằng dai tháng ngày

Rừng cây hoa lá chết ngay
Nước nguồn đất thấm đêm ngày rỉ ra
Công đồn chiến sỹ sông pha
Giật, dành tấc đất tiến là không lui

Tấn công quyết chiến không lùi
Chiến trường ta thắng khắp nơi reo mừng
Cờ bay phất phới hào hùng
Giang sơn một dải lẫy lừng năm châu

Ai ngờ chất độc ăn sâu
Biết bao chiến sỹ nén đau cả đời
Sinh con lớn chẳng nên người
Ăn, nằm sao biết cuộc đời khổ đau

Mẹ cha thân héo ruột sầu
Cha đi cứu nước nhiễm màu da cam
Ngày nay đất nước bình an
Da cam nhiễm độc vô vàn chiến binh

Chung tay cả nước hết mình
Đền ơn đáp nghĩa lung linh sáng ngời
….

Bài 5

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM
Tác giả: Hoài Phố

Để có được nước nhà ngày thống nhất
Là nhờ vào mất mát của cha ông
Những hồn thiêng sông núi giống lạc hồng
Đã ngã xuống vì non sông đất Việt

Yêu Tổ Quốc tuổi xuân nào có tiếc
Trên chiến trường bất diệt khúc hùng ca
Dẫu thân tan thịt nát đất quyện hòa
Vẫn chiến đấu xông pha cùng đồng đội

Trong bom đạn niềm tin luôn dẫn lối
Được hòa bình gấp bội những khát khao
Tình quê hương cháy bỏng những tự hào
Dòng nhiệt huyết nôn nao không ngừng nghỉ

Và hôm nay ngày thương binh liệt sĩ
Khắp núi sông hoan hỉ ngút hương cầu
Hồn các anh ngự trị mãi tim sâu
Dân tộc Việt cúi đầu tâm tưởng niệm

Bài 5
NIỆM KHÚC GIỮA QUÊ NHÀ
Tác giả: Hoàng Chẩm

(Những lắng tâm tri ân trong phút giây tưởng niệm của những người ở lại. Tôi em và các bạn đốt cháy tâm hương một miền cỏ xanh trời Quảng Trị).

Tháng bảy về rồi
Tôi ơi một miền quê thân thương
Vạt cỏ mềm còn đọng mùi chiến tranh đi qua ngày tháng
Lung linh hồn tử sĩ
Máu loang từng tấc đất
Một thời cha anh với hào khí tiền nhân

Hôm nay ta về đây
Nghe lại khúc tráng ca
Một dòng sông khơi dòng tưởng nhớ
Niệm tình tri ân sâu nặng
Những khuất bóng sau làn khói hương nghi ngút
Những dòng nước mắt đã cạn khô…
Những ánh mắt trầm lắng

Đất anh hùng còn mãi những vọng lời
Mẹ khóc những đứa con
Vợ khóc chồng
Ta khóc cho người nằm xuống…
Giữa cơn nắng miền gió cát
Đất thiêng Thành Cổ nở hoa với những non tơ
Trên những nấm mồ vô danh vẫn xanh tươi màu cỏ
Anh nằm dưới đáy sông
Nghe đồng đội hát …

Hôm nay và mai sau…mai sau
Anh linh núi sông hòa tan một đất trời lồng lộng
Khúc tri ân ngân mãi giữa vòng hoa
Khua vang trong tình người ở lại
Ta xin cho đời ngưỡng vọng
Những hy sinh thầm lặng cho quê hương
Quảng Trị tôi ơi!
Ôi quê nhà đặc quánh những đau thương.

Bài 6

TRI ÂN THƯƠNG NHỚ
Tác giả: Nguyễn Thị Nhạn

Anh nằm xuống cho cao cờ Tổ Quốc
Cho mùa xuân trên khắp dãy non sông
Cho em thơ vui ca hát đến trường
Cho mắt mẹ sáng vàng nguồn hạnh phúc

Anh nằm xuống cho hồn thiêng sông núi
Cất cao cờ ta dân tộc anh hùng
Xá chi thân cái chết tựa mao hồng
Cho mãi mãi sử vàng ghi tên Việt
…………………….
Ôi đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dột
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
……………………..
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về…
…………………….
Tình nghĩa kia làm sao bày tỏ…?
Đền ơn anh còn có tấm lòng
Hướng về phật pháp mênh mông
Cầu xin chư Phật hiển linh độ trì

Đưa các anh xa khổ về vui
Trải lòng thương khắp nơi nơi
Từ bi vô lượng đất trời chuyển theo

 

Bài 7

ĐÊM THÀNH CỔ                             

Tác giả: Phùng Hương Loan

Tôi lại về với Thành Cổ – Hoa Đăng
Nơi máu đổ, đồng đội tôi ở đó
Nơi đã cháy của một thời hoa đỏ
Khát vọng hoà bình, sống mãi tuổi hai mươi…

Thành Cổ ơi tôi gọi mãi tên người
Sóng Thạch Hãn trào dâng
như máu lửa
Khúc tráng ca bao người không về nữa
Những linh hồn lính trẻ xé lòng tôi

Đêm hoa đăng ngàn sao sáng u hoài
Mỗi ngọn nến thắp một trời thương nhớ
Người còn sống trái tim như rạn vỡ
Lệ rưng rưng tưởng nhớ đến muôn đời.

Tháng bảy về bao khắc khoải đầy vơi
Đêm nghe vẳng tiếng xung phong vang dội
Bước vội vã, trập trùng trong bóng tối
Ngàn ngôi sao vụt sáng cuối chân trời…
Tháng bảy
Tháng bảy ơi…

Bài 9

TƯỞNG NHỚ ANH…
Tác giả: Vọng Thanh

Đã qua
năm tháng cơ hàn
Chiến tranh loạn lạc sang trang
mới rồi
Cánh rừng xanh lại đôi mươi
Trường Sơn khúc khải
vọng lời ca xưa…

Trường Sơn
bên nắng bên mưa
Hai đầu nỗi nhớ
như vừa
chạm nhau
Thạch Hãn ơi
nước còn màu
Máu cha ông nhuộm
còn đau bãi bờ?

Hồn thiêng
sông núi vào thơ
Tên anh hóa những mùa hoa
dâng đời
Biển rừng lấp lánh sao ngôi
Quê hương hát mãi tên người
chiến công.
……

Bài 9
GIANG SƠN MÃI KHẮC TÊN ANH
Tác giả: Nguyễn Luật

Vòng lịch sử quay về thời chinh chiến
Bảy bảy năm mãi quyến luyến khắc ghi
Dãy Trường Sơn in dặm bước Người đi
Sóng cuồn cuộn rầm rì dòng Thạch Hãn

Tiếng đạn pháo đã chôn vào dĩ vãng
Tên của anh mãi rạng rỡ non sông
Đúng với danh là con lạc cháu hồng
Anh nằm xuống chiều đông nơi viễn xứ!

Rừng trút lá vượn tìm đàn hí hú
Đồng đội anh bẻ lá phủ mộ phần
Hồn của anh đưa tiễn những bước chân
Chẳng hứa hẹn ngày gần đây viếng mộ.

Mẹ chờ đợi mắt nhòa khô dòng lệ
Vợ trông chồng nhưng nhớ héo tuổi xuân
Ngày hòa bình ngơ ngác ngóng đoàn quân
Vĩnh viễn mất… rưng rưng dòng báo tử!
…..

Bài 9
NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN
Tác giả: Ngô Sương

Tiễn anh một sáng mùa Thu
Anh ra tiền tuyến diệt thù giữ quê
Đôi mình từng đã hẹn thề
Tan rồi bóng giặc anh về, anh ơi

Nhưng anh đi miết một hơi
Máu xương đổ xuống ở nơi chiến trường
Ngày non nước Việt yêu thương
Sạch rồi bóng giặc quê hương khải hoàn

Mẹ già mỏi mắt chờ con
Em đây ngóng đợi héo hon cả lòng
Bao mùa khắc khoải chờ mong
Bóng anh biền biệt thong dong chốn nào

Những lời hẹn hứa ước trao
Thôi đành xếp lại cất vào nơi tim
Nhớ nhung khắc khoải nén ghìm
Cột và gởi nhắn cánh chim trên trời

Non sông nước Việt yêu ơi
Máu anh đổ để nhuộm tươi màu cờ

Bài 10
TAO NHỚ MÀY
Tác giả: Lạc Nửa (Anh Tài)

Mày ơi tao đã về rồi
Nhớ lời thề hẹn bạc vôi cau trầu
Chiến tranh nay đã lùi sâu
Bình yên ngày mới xanh màu yêu thương

Mày ơi tao nhớ con đường
Chiến trường Việt bắc ẩm ương núi rừng
Nhớ mày nước mắt rưng rưng
Củ khoai mì luộc mày từng nhường cho

Mày ơi khuôn mặt ốm o
Nghêu ngao đàn hát buồn so thuở nào
Nhớ mày tiếng gió lao xao
Chia nhau điếu thuốc ngọt ngào tình thân

Mày ơi tao nhớ bao lần
Những cơn sốt rét râm ran tháng ngày
Miệng cười như mũi tên bay
Nắm xôi cơm trắng áng mây phiêu bồng

Mày ơi mày biết gì không
Non sông nước Việt sắc hồng cờ hoa
Hòa bình rồi đó quê ta
Tự do độc lập nhà nhà ấm êm

Mày ơi mày hãy nhìn xem
Hương xưa đất tổ ru đêm mơ màng
Phút giây nhặt nhạnh đi hoang
Tim tao thêm nhớ vô vàn về mi.

 

 

Bài 11
TIỄN BIỆT ANH
Tác giả: Lê Yên

Tôi có một người anh đi bộ đội
Góp sức trai khi đất nước rất cần
Tuổi xuân trên chiến trường đầy khói đạn
Đêm miệt mài không dừng bước hành quân

Bao phen máu đổ dưới làn đạn bom
Không nhụt chí trai làng ra chiến trận
Ơn mẹ cha cả một đời lận đận
Phận làm con phải gìn giữ non sông

Anh giải ngũ khi không còn sức khoẻ
Chuyện vợ con chưa tính được vuông tròn
Nợ nước non nặng trĩu tấm lòng son
Vui gia cảnh cha già nuôi con mọn

Xưa chiến trường, nay địa phương xây dựng
Người cựu chiến binh phấn đấu không ngừng
Mong từng ngày giàu đẹp một quê hương
Cho con cháu mùa lễ hội tưng bừng

Anh ra đi ngày mưa mùa chưa dứt
Xác thân tan nhưng hồn vẫn mộng lành
Giọt lệ xanh với yêu thương không đành
Xin một lần thương tiếc tiễn biệt anh.

Bài 12
HỤT HẪNG!
Tác giả: Đào Kim Phụng

Đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa tin
Một Ngôi sao đã quên mình vì nước
Chẳng vinh danh cũng chẳng màng chức tước
Chỉ âm thầm vì Tổ quốc thân yêu!

Tiết trời thu nghe giông tố một chiều
Tim ngừng đập khi quá nhiều dang dở
Người vẫy tay mặt điềm nhiên rạng rỡ
Để muôn người khóc nức nở đau thương

Một trái tim thanh bạch giữa vô thường
Tấm áo vải và dặm trường gian khổ
Vì Nhân dân Bác dặn từng cán bộ
Danh dự là vàng… hãy cố vinh danh

Tuổi tám mươi vẫn đắp lũy xây thành
Đốt cho sạch lũ tam bành hối lộ
Bọn sâu mọt hút từng dòng máu đỏ
Củi vào lò, niềm tin đó còn vang

Bác ra đi bỗng nhiên rực hào quang
Vì tinh tú kết men vàng đón Bác
Kính nén hương tiễn Người về cực lạc
Bao nhọc nhằn mong Bác được thảnh thơi.

THÀNH KÍNH LÒNG ĐƯA TIỄN BÁC…BÁC ƠI!.
NON SÔNG VIỆT SẼ ĐỜI ĐỜI ƠN BÁC!.

Chiều Thu nhớ Bác CTN, TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG.
24/7/2024
….
Bài 13

ĐỒNG ĐỘI
Tác giả: Nhà Thơ Lão Nông

Trải qua một buổi chiều kinh khủng 25/7/1972, 5 đồng đội ra đi ngay trước mắt, đêm hôm ấy không sao ngủ được… sáng hôm sau mệt mỏi hành quân tiếp. Chiều tối nghỉ lại bên một vạt rừng, đào hầm xong thì Tường về, hắn ôm chầm lấy mình mừng rỡ và nức nở vì sự mất mát quá lớn.Tường mới được điều đi công tác trên sư đoàn, hắn huyên thuyên khen mình là nhỏ con mà dai sức, mà gan dạ… “ở trên sư đoàn các thủ trưởng khen cậu lắm.” Thôi mình đi tắm đi! Cả tuần nay không được tắm rồi. Hai thằng mò xuống sông Nhùng tắm, nước ngang ngực, mát lẹm, trăng vừa nhô lên khỏi ngọn núi, đẹp nao lòng… Đang mơ màng thì bị bom đánh, tiếng nổ inh tai, mảnh bom và đất đá bay vèo vèo, hai thằng lao vào bờ, bỗng tường hét lên, Tao bị thương rồi! mình nhào tới, Tường đang chới với, mình dìu hắn vào bờ và xem vết thương. Bị vào mông. Hắn to con, trần như nhộng, vết mảnh đạn to như cái bát ăn cơm, may không bị mất đi cái của qúy. Loay hoay mãi mới băng được cho hắn, hắn lả đi trên tay mình, run quá, mệt quá… gọi ầm ĩ thêm vài thằng khiêng hắn lên và cáng đi viện. Hôm ấy là tối 26/7/1972. Lại thêm một đêm kinh khủng, may mà đơn vị không có ai bị thêm nữa. Ra Bắc, gặp hắn bình phục, cười toe toét, hắn ôm chặt mình và khóc, cứ gọi mình là ân nhân. Năm 2015 hắn về quê rồi đột ngột đến thăm nhà mình. Đồng đội gặp lại nhau sau 39 năm xa cách, hai thằng ôm ghì nhau mừng quá đỗi, cả nhà mình ai cũng vui, còn hắn vẫn luôn miệng gọi mình là ân nhân. Năm 2016 nhân tiện chuyến đi tìm mộ đồng đội ở Quảng Trị, mình nhảy vô Sài Gòn thăm Tường, hắn khỏe mạnh, vẫn đẹp trai như xưa, vẫn cái giọng điệu khoe với vợ con đây là ân nhân làm mình thấy khó xử quá… Vừa rồi gọi điện thăm hắn mới biết hắn bị tai biến đi lại khó khăn, cộng thêm vết thương tái phát và chất độc da cam hành hạ. Bỗng càng thương hắn quá. Nhân ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, mình kể sơ sài mẩu chuyện này để bạn bè, đồng đội và mọi người hiểu thêm về chiến tranh, về những khó khăn mà người lính đã phải trải qua là một kì tích bi hùng, bên cạnh sự vĩ đại của dân tộc . đừng bao giờ quên điều này…

TƯỜNG ƠI

Thế là mày lại yếu rồi sao?
Cái mảnh bom găm ở suối hôm nào
Lại quay về hành hạ
Chất độc da cam có thời cơ quậy phá
Tai biến rồi ư?
Trời ạ! Khổ thân mày…
Thôi từ nay đừng gọi tao là ân nhân nữa
Đồng đội với nhau gọi thế tao buồn
Tháng bảy về trời vẫn đổ mưa tuôn
Có mấy vần thơ thay lời thăm hỏi
Cố lên nhé! Cho ấm lòng đồng đội
Màu chiến tranh vẫn thắm mãi hoa hồng

Phú Lộc: 26/7/2024 Xuân Đạt Nguyễn

Xin gửi lời tri ân đồng đội, chúc bạn bè và mọi người ngày mới vui vẻ, hạnh phúc…
…….

 

Bài 14

CHIẾC LÁ BÊN THỀM
Tác giả: Nguyễn Thạch Thảo

Anh chẳng về
Mẹ gọi mãi tên anh…
Bóng in nghiêng hắt hiu chiều lay lắt
Anh chẳng về hoàng hôn vừa lịm tắt
Chiếc lá xanh sao vội vã lìa cành?

Ngày ấy năm xưa Mẹ tiễn bước chân anh
Lớp lớp trai làng lên đường đi cứu nước
Mùa thu thanh bình nghẹn ngào đưa rước
Làng quê nghèo ngút ngát khói lam bay

Đụm cơm nghĩa tình mẹ dành dụm trao tay
Đánh đổi giọt mồ hôi tưới vàng từng hạt lúa
Dành hết cả thương yêu ngọt ngào chan chứa
Anh mang bên mình hình bóng của quê hương

Ngọn gió lùa buốt bấc lạnh từng cơn
Con cò trắng mảnh mai bươn chiều bờ cỏ dại
Anh ra đi không hẹn ngày trở lại
Mẹ đỏ mắt mỏi mòn tê tái ngóng con xa.

Chiến tranh ngập tràn đỏ dòng nước phù sa
Xác đạn bom chất chồng ngổn ngang nơi trận mạc
Anh đánh đổi thân mình trang sử vàng ghi tạc
Mẹ chân chậm mắt nhòa anh có biết hay không?

Tổ quốc trao Mẹ bằng Tổ quốc ghi công
Tay run run Mẹ nghe tin chồng ngã xuống
Cha và anh bỏ mẹ rồi,
Đường cày ai lên luống?
Một chiếc bóng bơ vơ quỵ ngã góc hiên thềm

Bao mùa trăng hương khói cay nồng và nước mắt dày thêm
Anh chẳng thấy cha cũng không về nữa
Tháng bảy rưng rưng xót xa về bên cửa
Chiếc lá vàng rớt xuống giữa mênh mông!

 

Bài 15
NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN  Tác giả: Phải Chi

Tôi gửi vào thơ thảy kính thành
Niệm ngày tổ quốc để tang Anh
Non sông một dải liền mây trắng
Đất nước đôi miền nợ tóc xanh
(Tráng sĩ một lần qua sông Dịch)
Súng gươm bao trận rát quân hành
Trời thu lá trút vàng trang sử
Những mộ oai hùng mãi rạng danh.

Bài 16

THÁNG BẢY MẸ VẪN CHỜ CON
Tác giả: Nguyễn Kiên

Mẹ vẫn chờ từ ngày ấy con đi
Buổi đưa tiễn nguyện vì dân vì nước
Dưới cờ đỏ hướng chiến trường tiến bước
Theo cha anh mặc gai góc sờn lòng

Nơi quê nhà mẹ đưa mắt dõi trông
Từng giọt lệ gửi sông đời mòn mỏi
Tóc ngả bạc thân gầy thương còm cõi
Áo vải sờn thời gian vội đi mau

Hoà bình rồi mẹ vẫn chẳng tin đâu
Ngày thống nhất trên bầu trời mây phủ
Tin báo giữ đứa con trai quyết tử
Nằm lại chiến trường QUẢNG TRỊ mẹ ơi

Con ra đi nợ mẹ cả một đời
Vì đất nước đẹp rạng ngời mãi mãi
Lỡ hẹn mẹ một tình yêu thắm trải
Nàng dâu hiền nơi mái ấm nhà tranh

Phụng mẹ cha những trái gió chữa lành
Trong gian khổ thương lòng tanh ruột xót
Ngày thơ bé vắt từng dòng sữa ngọt
Con nên người manh áo lót làm khăn

Tháng bảy rồi mẹ vẫn đợi ân cần
Con về lại vững bước chân ngày ấy
Nhưng mẹ ạ đạn bom mìn cày sới
QUẢNG TRỊ hào hùng quật khởi xâm lăng

Con không về nơi đất mẹ ngàn năm
Mà ở lại đồng đội nằm cùng đó
Gửi quê mẹ mùa hương thơm đồng cỏ
Hồn của con hoà vào gió mùa trôi.

Bài 17

TIẾNG ĐÀN CỦA NGƯỜI CỰU BINH MÙ
Tác giả: Lê Văn Sự

Đêm đêm tiếng đàn Violin rung ngân
Của người cựu binh mù lối xóm.
Nghe giục giã một thời bom đạn
Khoác ba lô, anh tạm biệt giảng đường.
Hôm ấy trời Hà Nội mù sương
Bạn bè tiễn đưa, có người đứng khóc.
Tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt
Mảnh bom găm cướp dòng sáng anh rồi.
Về lại quê hương,
Người đứng khóc năm xưa đã sang đò hạnh phúc.
Cứ thế, hằng đêm thánh thót
Tiếng đàn nghe đắng đót, chia ly…
Tiếng đàn trong như không gian mùa thu
Dìu dặt đưa nôi, lời ru của mẹ
Như giọt sương mai rơi trên lá
Rung ngân, réo rắt, thăng trầm.
Những cung bậc tiếng đàn
Nghe rất đau, bay lên, nhỏ xuống
Nốt giáng, son… vương vấn
Tỉ tê, nức nở trong đêm…
Chúng tôi nghiện tiếng đàn
Thương nhớ thắt lòng, dây tơ đàn đứt
Vầng trăng nghiêng… Những âm thanh thân thuộc
Dội vào lòng người… Nhức nhối cõi nhân sinh…
Lập hạ 2024

…..

Bài 18

CON YÊU CHA NHIỀU NHẤT
Tác giả: Trang Hà

(Đã mười lăm năm, ngày giỗ cha)

Người ta dùng hoa hồng để biểu dương tình yêu của mẹ
Tôi lại ngắm mặt trời để tô vẽ hình tượng của cha
Từ lúc hừng đông tôi đã biết hát ca
Hành khúc khải hoàn cha dắt tôi băng qua hoài bảo
Chiến tranh đi qua, dòng đời huyên náo
Cha đắp thành trì cho tôi kiêu ngạo lý tưởng tự do
Cha dạy tôi môn võ thuật đánh gục những âu lo
Giữa lòng đại dương cha không đắn đo tự mình làm thuyền trưởng
Tôi không quên được ngày lá cờ xoáy ngược
Cha mặc định cuộc đời, đánh cược ước mơ
Vầng mây trắng giờ đã vào cõi hư vô
Tôi cảm tạ cuộc đời đã cho tôi vô bờ hạnh phúc
“Có thân thế đứng trong trời đất”
Hình tượng người đàn ông cha dàn dựng thật tuyệt vời
Có, không, được, mất tôi vẫn mỉm cười
Nén nhang, làn khói 
Giọt nước mắt quyện quanh đời…
Hình cha vẫn phảng phất
Nhật ký tôi ghi: 
“Con yêu cha nhiều nhất”.

…….

Bài 19

LÁ ĐỎ – HÀNH QUÂN
Tác giả: Trang Hà

(Chuyện kể về câu chuyện chiến tranh
Đường Trường Sơn lá đỏ buông mành
Màu Trường Sơn cứ thế định hình trong ký ức)

××÷××÷××÷××÷××÷××÷××÷

Thu về rụng những lá vàng
Lạ thay lá đỏ hoang mang mặt đường 
Chuyện rằng khắp nẻo hành quân 
Trường Sơn lá đỏ ngập ngừng thảm hoa 
Dừng chân quanh quẩn nhớ nhà 
Thương sao chiếc lá xót xa trở mình
Băng rừng, lội suối điêu lính 
Chiến tranh dừng lại, hòa bình vẫy tay
Ngày về, pháo nổ, cờ bay
Nhìn xa chiếc lá thơ ngây tạ từ 
Chút gì như thể hình như
Hình như chiếc lá từ từ giọt rơi
Hòa bình ơi 
Hòa bình ơi
Hồn thiêng lá đỏ rụng vời chiến tranh 
Đánh liều ngọn gió tinh anh 
Vẫy tay chiếc lá lìa cành thoát thai
Luân hồi nếu có, chấp tay
Xin đừng nhọc kiếp đỏ đầy lối rơi…

 

Leave Comments

0976712244
0976712244