MÓN QUÀ ĐẦU XUÂN - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

MÓN QUÀ ĐẦU XUÂN

Trân trọng cám ơn ngòi bút Tuệ Mỹ hội văn học nghệ thuật Bình Định đã thấu cảm một bài thơ với góc nhìn thi ca đẹp bằng sự lấp lánh của ngôn ngữ bình thơ.
Trân trọng giới thiệu cùng quý thi hữu

CÓ MỘT MÙA KHÔNG PHÔI PHAI

Lỡ dại một mùa trăng
Bên thềm hoa lòng thêm hao khuyết
Thu có vàng trên phiến lá
Đong đưa
Em cúi mặt mình vun vén
Chút tình xa vỡ tan như bong bóng trong mưa

Em cầm giữ
Mộng đã phai
Chiều ôm nỗi buồn xuống thấp
Chuông giáo đường buông nhịp chờ nhau.
Ta về trong mưa…
Em chờ đón
Phố đêm đèn giăng đầu ngõ
Thoáng qua trong mắt người về thấm mặn e ấp phôi pha
Có xưa đâu em! Tình vẫn thắm
Mùa đâu xa…
Có vội vã một vòng tay.
Có một mùa hoa…về rất muộn
Bên ni lòng đau đáu
Bên tê cũng xao xuyến nửa chừng xuân.

Lỡ dại một lần yêu em
Mà như thấu hiểu đêm vô cùng
Ta đếm đong bao lầm lỗi
Bóng đã ngút ngàn sương khói phía không nhau.
Nhặt nuối tiếc hắt hiu thầm nhớ
Có phải quay quắt níu lấy lòng nhau.
Lỡ một chuyến đò…đâu chỉ một chút xưa
Mà nay em tái tê ngày góp nhớ
Đâu chỉ là trùng phùng trong cách trở
Em có nghe tiếng vô cùng của buổi ban sơ
Miệt mài một cung tơ
Đan kín chiều sông quê vùi sâu cơn mộng

Tóc gió bay tình!
Khẽ khàng tay buông dấu xót xa.
Hoàng Chẩm

Lời bình:

         Viết về tình yêu đôi lứa, ngòi bút của nhà thơ Hoàng Chẩm nghiêng về “tình đau”. Trang thơ tình của ông dày đặc những “đau”: thơ đau, tình đau, nhịp chèo đau, câu thơ viết giữa mòn đau…Khối tình đau ấy ông đem thả vào bốn mùa của đất trời. “Vẫn một mùa xuân trên tóc/ Áo phai chưa hết nỗi buồn”( Trích“Trong hơi thở mùa xuân”), “Cơn mưa Hạ…tình đau từ độ ấy” (Trích“Hạ và cơn mưa em”), “Mùa Thu còn đó…/Lá phai/ Nhớ chi… lá rụng mãi hoài/ Tình đau” (Trích “Tiếc thu”), “Chiều Đông/ Cúi mặt ngậm ngùi/ Lắng nghe biệt khúc/ Chôn vùi dấu thương” (Trích “Khúc tôi ơi chiều đông”). Mùa nào của đất trời cũng đến rồi đi nhưng trong thế giới thơ tình Hoàng Chẩm lại “Có một mùa không phôi phai”(tên một bài thơ của ông). Dệt nên “mùa không phôi phai”  đó có Ta và Em.
     Không biết “mùa không phôi phai” đó là mùa gì mà mới bước vào không gian của bài thơ, người đọc bắt gặp ngay “Lỡ dại một mùa trăng”. Trăng tự bao đời là “nhân vật” dự vào tình yêu đôi lứa. Chính cái huyền hồ thơ mộng của trăng đã làm nên chuyện tình lãng mạn giữa Ta và Em. Đâu chỉ là một đêm trăng mà là cả “một mùa trăng” dài rộng. Trong cái rộng dài của “mùa”, tình yêu của Ta và Em càng say đắm, đậm sâu. Hóa ra “mùa trăng” là “mùa yêu”. Ta và Em đã bước vào mùa yêu say đắm, mặn nồng. Vậy sao thi sĩ lại bảo là “Lỡ dại”. Cụm từ “Lỡ dại” nằm ngay ở cửa bài thơ sẽ mở ra bi kịch gì sau “mùa trăng” đó? Với đôi lứa yêu nhau có bi kịch nào ngoài sự chia phôi. Phải, tình yêu Ta và Em sâu đậm vậy nhưng đã “vỡ tan” để lại vết thương lòng “không phôi phai” được. Nay Ta và Em “Bên ni lòng đau đáu/ Bên tê cũng xao xuyến nửa chừng xuân”. Hai câu thơ không nói đến cách ngăn nhưng “Bên ni- Bên tê” nằm ở đầu hai dòng thơ đối nhau tựa như vết cắt xẻ đôi bảo sao không “đau đáu” và “xao xuyến” lòng. Tình yêu nồng đậm đó giờ đã là “Tình xa”. Dẫu xa nhưng nó sống hoài trong ký ức của Ta và Em. Ký ức tình yêu hiện về trong tâm tưởng bao giờ cũng đẹp nên Em “vun vén” và “cầm giữ” dù “mộng đã phai”. Còn Ta thì luôn an ủi lòng mình “Có xưa đâu em/ Tình vẫn thắm/ Mùa đâu xa…”. Đôi lứa chia lìa mà bảo “tình vẫn thắm”, tình yêu giờ là ký ức mà bảo “Có xưa đâu”, Mùa yêu giờ đã “ngút ngàn sương khói” mà cho là “Mùa đâu xa”. Thật là nghịch lý nhưng lại rất có lý đối với trái tim đau. Một khi “Tình xa” đem cất vào ngăn ký ức của cõi riêng thì nỗi nhớ cũng dâng đầy. Ta “Nhặt nuối tiếc hắt hiu thầm nhớ”. Còn Em cũng “tái tê ngày góp nhớ”. Hai người trong cuộc có cùng nỗi nhớ về nhau và độ sâu nỗi nhớ cũng không khác. Có khác chăng là ở cách nhớ mà thôi, Ta “thầm nhớ” Em trong “hắt hiu”, “nuối tiếc”. Em thì “góp nhớ” từng ngày trong nỗi “tái tê”. Chỉ vì cả hai muốn “níu lấy lòng nhau”. Quen  nghe “níu áo”, “níu lưng” chứ “níu lòng” thì mới thấy trong thơ Hoàng Chẩm. Họ đã “níu lấy lòng nhau” bằng nỗi mòn đau, bằng chất chồng nỗi nhớ, bằng mong ngóng, đợi trông…Thế giới tâm tư của người trong cuộc tình đau như tràn ngập trên mỗi con chữ trong bài thơ. Tâm tư đầy ắp như thế họ biết trút vào đâu? Đây là nơi cho họ trút bầu tâm sự: “Chiều”. Phải, “chiều” tự bao giờ đã luôn song sinh cùng nỗi buồn. Cô gái có chồng xa xứ trong ca dao cũng mượn chiều để gửi nỗi buồn nhớ quê “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Cô Kiều (Truyện Kiều- Nguyễn Du) khi lưu lạc tha phương cũng “Buồn trông cửa bể chiều hôm”. Thơ nay, nhiều thi sĩ cũng đưa “chiều” vào thơ của họ để đồng hành cùng nỗi buồn. “Tiễn chiều vào chết/ dưới bầy nắng thưa” (Nguyễn Phúc Lộc Thành), “Chết chiều vào sông vắng/ Biệt ly gió thở dài” (Đinh Tiến Hải)…“Chiều” đi vào thơ ca nói trên đều với tư cách là khách thể đồng hành và cộng hưởng nỗi buồn cùng nhân vật trữ tình. Còn “Chiều ôm nỗi buồn xuống thấp” của Hoàng Chẩm lại mang một tư cách khác: tư cách chủ thể. Rõ ràng, Hoàng Chẩm đã phả vào chiều một linh hồn  để chiều nhập thân cùng Em “ôm” nỗi buồn tình lỡ. Hoàng Chẩm đã tạc vào thơ mình một hình tượng “Chiều” lạ lẫm, ấn tượng. “Chiều” trong thơ ông không còn mang khái niệm về thời gian nữa mà đã hóa không gian, không gian cõi lòng. Cũng như thế, “Đêm” là bạn đồng hành cùng Ta “Lỡ dại một lần yêu em/ Mà thấu hiểu đêm vô cùng”. Không phải “đêm sâu”, “tàn đêm”, “trắng đêm” như bao người đã nói, Hoàng Chẩm đã mở biên độ của đêm đến “vô cùng”. Còn nhớ “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Làm run thêm lạnh nỗi hàn bao la” mang niềm khắc khoải không gian của Huy Cận một thời. Hoàng Chẩm không nói đến không gian mà “đêm vô cùng” của ông cũng đã mở ra cái không gian đến “vô cùng” của đêm. Và đó cũng là biên độ của “tiếng lòng” được mở “Em có nghe tiếng vô cùng của buổi ban sơ”. Đố ai có thể đong đo được “tiếng vô cùng” của hai trái tim yêu. Hoàng Chẩm không chỉ “đào sâu” tâm trạng mà còn “mở rộng” nội tâm nhân vật đến “vô cùng”. Có phải “tiếng vô cùng” cộng hưởng cùng “đêm vô cùng” trong cái “mùa trăng” đã tạo nên “một mùa không phôi phai”?
        Bài thơ dài được chia thành nhiều khổ ghi lại cảm xúc của đôi lứa trong cuộc tình đau theo dòng hồi tưởng của nhà thơ. Thi sĩ đã nhập thân vào cả hai nhân vật Ta và Em để bộc bạch nỗi lòng. Cảm xúc như vo tròn xáo trộn rồi vỡ òa  khiến cho thi sĩ cũng bối rối. Nên thơ thì thành dòng nhưng không thành mạch ý. Ý thơ cứ xáo trộn như tâm tư của kẻ sống với ký ức tình yêu. Viết về “Tình đau” ,“Tình xa” của lứa tuổi chiều nên tình yêu và niềm nhớ tiếc của nhân vật trữ tình có phần lắng đọng và thâm trầm. Có lẽ cảm xúc đó được soi chiếu từ cái nhìn trầm tĩnh của người đã đi qua cuộc bể dâu . Nên dù tình yêu xưa có sống dậy thì cũng “Khẽ khàng tay buông dấu xót xa” thôi. Có lẽ điều ấy đã làm nên nét riêng cho thơ tình Hoàng Chẩm viết về đề tài “Tình lỡ”, “Tình xa” . Bài thơ “Có một mùa không phôi phai” thu hút người đọc không chỉ vì đề tài muôn thuở đó mà chủ yếu ở sự “làm mới” một số thi ngôn  của nhà thơ Hoàng Chẩm.

TUỆ MỸ
01/01/2020

Leave Comments

0976712244
0976712244