Cảm nhận CHÙM THƠ NGUYEN HONG LINH/ qua góc nhìn Vọng Thanh - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

Cảm nhận CHÙM THƠ NGUYEN HONG LINH/ qua góc nhìn Vọng Thanh

Cảm nhận – CHÙM THƠ NGUYỄN HỒNG LINH/ Qua góc nhìn Vọng Thanh—————-෴꧁꧂෴—-—————

Phần 1.                                                                               _______

Tiếng chim hót, làm vỡ một khoảng sân vườn đầy sương của buổi sớm mai mà bình minh vừa mang tới. Tia nắng buổi sớm dịu dàng rất hiền, như rót vào ly cà phê làm tăng thêm hương vị nồng nàn cho một ngày chủ nhật thật đẹp. 

Tháng tư!… Một ngày lang thang góc phố. Một ngày, một ngày xốn xang mùa gọi. Một ngày, cho những câu thơ đâu đó đang khoan mình thổn thức, cho bạn, cho tôi, cho em, cho một bàn chân vừa vặn bước qua khung cửa của mùa hạ.                                                                             

    Tháng tư… như chạm vào ngực trái của những con tim đang bồi hồi nung nấu, chờ đợi, vấn vương một điều gì rất lạ… Giá như, bây giờ là cơn mưa phùn lớt phớt điểm mùa rơi vào hồn nhỉ? Hoặc là khúc giao hưởng cháy lòng của Beethoven dạt dào len lỏi…? Nhưng nếu  thật vậy, thì liệu giọt mưa ấy có đủ làm ướt áo ai bay trong một ngày chủ nhật, hay khúc giao hưởng kia có thể cầm được về mình một nỗi nhớ phương xa…?                                                                   Dường như cả hai, không thể làm bằng an như những gì ta kỳ vọng…?!                                             Để rồi hôm nay, ta cứ mãi lang thang đi trên lối mòn nhặt nhạnh, trăn trở, và chạnh lòng bên ly cà phê từng giọt chậm rơi bên góc phố, mặc cho từng cánh hoa chuông hồng bung xòe đợi chờ cơn gió đến rung chuông.

     Ngã đầu vào thành ghế, kéo một hơi thuốc dài thư giãn, suy nghĩ… làn khói thuốc bay bay rung rinh, rồi tan loãng trong một góc không gian yên tĩnh của quán “Cafe Sài Gòn Xưa” trên đường Phạm Ngũ Lão Quận 1. Một góc phố hiện ra vuông vắn như một bức tranh từ tầng lầu của quán Cafe không bị che khuất một tầm nhìn… 

     Tháng tư!… Có lẽ một ngày không giống như mọi ngày, vội vàng hớp vội ly cà phê rồi rồ ga xe chạy một lèo đến công sở. Dường như, tháng tư ưu ái dành cho ta một góc không gian riêng tư đẹp và vô cùng lãng mạn thì phải?                               Dừng lại bao suy nghĩ mông lung, bỗng nhiên chợt nhớ ra, hình như… mình đang cất giữ một thứ gì đó trong mớ hành trang hỗn độn chưa được sắp xếp, mà từ lâu rồi không nhớ rõ nữa, lục lại trong đầu lần lượt thứ tự…                                  À… nhớ rồi, là 3 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, đã tặng tôi trong ngày ra mắt, cách đây gần tròn hai năm. Chính xác là tháng 9/ 2022 chị về Sài Gòn, và có mời tôi đến dự buổi ra mắt 3 tập thơ đó. Nhưng vì công việc bận rộn chưa có thời gian đọc. Sau ngày ấy, tôi mang về bỏ trong ngăn tủ, mặc dù chưa đọc hết, định hôm nay bỏ trong cốp xe mang theo ra quán cafe ngồi đọc. Thế mà lại ngớ ngẩn quên không nhớ ra nữa đấy! Khổ thật!…

      Ừ!… Nhắc về 3 tập thơ ngày đó, và chút kỉ niệm lần đầu gặp mặt nhà thơ Hồng Linh ở ngoài đời. Tuy là chưa hiểu biết nhiều về nhau cho lắm, nhưng dẫu sao cái duyên thơ cũng níu lại được một ngày ngồi đối diện bên ly cà phê, và cùng đi ăn bữa cơm trưa cũng tạm gọi là… Nói thật, từ giây phút ấy!… Tôi như đọng lại, và nhen trong trái tim mình một cảm xúc đặc biệt, giống như có thứ gì đó len lỏi, xen lẫn giữa trân quý, ngưỡng mộ và có cả sự thuyết phục…  Tình thơ là vậy! Nó như bắt gặp được cái duyên thơ đến với nhau trân quý như người bạn đời, người thân, người tri kỉ, mà người chơi thơ mới tìm thấy bản ngã và dễ dàng đồng cảm. Nói đến đây, tôi vội vàng đứng dậy ra mở cốp xe lấy 3 tập thơ đó vào, rồi ngồi đọc say sưa, miệng lẩm nhẩm, ngón tay cứ thế theo phản xạ tự nhiên gõ vào bàn phím, cảm xúc cũng thế, bất tận ùa về rất thật, như ánh lửa cứ vậy bập bùng, bập bùng cháy… 

“Sài Gòn Xưa…”                                                       

Giọt cà phê

“Tóc rơi phiến ngọc” (*) nhiêu khê 

cũng đành

Sao em “giấu nhớ vào anh” (*)

Du dương khúc nhạc “cành xanh giọt sầu” (*)

Hồn thơ ai chảy về đâu?

Sông quê hóa nốt nhạc màu 

thiên thanh

Sáng nay tủa hạt long lanh

Nhựa mùa xuân 

trộn sương giăng ngõ hồn

Bình minh

lấp liếm môi hôn

Tiếng thơ ai bỗng xanh giòn khúc ca.

………

 (*) Tên của 3 tập thơ: (Tóc rơi phiến ngọc; Giấu nhớ vào anh; Cành xanh giọt sầu).

–—————————–—–

Phần 2

——–

Hôm nay lại một lần nữa, dường như cái duyên thơ ấy vẫn còn, vẫn khát khao và hừng rực, ngún đỏ cả một góc trời cam hạ.                                            Đó là chùm thơ trong tuyển tập thơ thứ 5, mang tên: “TỰ TÌNH VỚI TRĂM NĂM” của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh đã được thai nghén và chờ ngày sinh nở, mà chị vừa gửi mail qua cho tôi để tham khảo thêm.

     Lướt qua chùm thơ 20 bài của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, tôi có suy nghĩ…                                 Nếu ai đó không đọc kĩ, đọc chậm, thì chẳng khác nào như người cởi ngựa xem hoa chỉ thấy những màu sắc sặc sỡ, mà không thấy được giá trị từng loại bông hoa đó. Vì vậy theo tôi, người đọc thơ cũng cần đọc và ngẫm bằng cái tâm… giống như nghe một bản nhạc hay ru hồn, ta phải nhắm mắt để thưởng thức. Có như thế ta mới thấy được giá trị nghệ thuật cho từng tác phẩm đó. Nhớ có lần tôi đã nghe một câu nói ai đó, cụ thể là không nhớ rõ, một câu nói rất hay: “Người làm thơ nếu là một thi sĩ, thì người đọc thơ cũng phải là một nghệ sĩ… “. Hoặc có một câu nói khác của nhà thơ lỗi lạc người Nga Evgueni Evtushenko khi ông trả lời chấp vấn các phóng viên độc giả yêu thơ ông: (“Sẽ là người đọc thơ nếu không là thi sĩ”. Tôi muốn thay cái thuật ngữ tính cấp thiết vốn bị một số nhà phê bình thô thiển làm mất giá bằng một từ dân dã hơn là sự thiết thân…)

      Vì vậy khi đọc chùm thơ 20 bài của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh. Tôi không thể lặng im cho qua, mà muốn viết gì đó nói lên nỗi niềm cảm xúc chân thành nhất từ trái tim mình. Có điều, tôi rất đắn đo suy nghĩ… liệu mình đã đủ trình để hiểu và cảm được bao nhiêu, để mở khóa vào kho tàng văn thơ tích trữ mấy mươi năm của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh?…                                                 Nên khi nói về khía cạnh văn học thi ca nói chung, hay bình phẩm về tác giả tác phẩm nào đó nói riêng, thì tôi không dám ngay cả thơ của Nguyễn Hồng Linh. Trong khi thơ chị đã có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình tên tuổi trên thi đàn đặt bút trải lòng hết rồi. Chính vì vậy tôi lại càng không dám múa rìu qua mắt thợ. Hơn nữa, tôi không còn đất để cắm những mĩ từ nào đẹp hơn, nếu không muốn bị ném đá hay gọi là đạo văn…! Vì vậy nên đành lặng lẽ nghiêng mình cảm theo cách của riêng tôi đối với nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, với tư cách là người bạn. 

     Đọc thơ Hồng Linh, tôi cảm nhận thấy có nét phong thái khoáng đãng, nhẹ nhàng như cơn gió mùa thu, đôi khi có mang dáng dấp bồng bềnh, lạc lõng… như cánh chim lạc vào vùng tâm bão. Nhưng cũng có nhiều bài thơ rất ư là đời, trong đời có khoảnh khắc ung dung và tự tại. Lối hành văn cũng thế, hơi nghiêng về cổ điển nhiều hơn là hiện đại. Nhưng chung quy lại, thì thơ chị viết nghiêng về tình yêu thương, nhớ nhung, buồn vui lẫn lộn, và có cả nụ cười chua chát man mác hoài niệm về một thời đã xa… Trong đó có tình yêu quê hương, yêu gia đình, cha mẹ, bạn bè, đặc biệt là tình yêu đôi lứa, rất nồng nàn da diết, giống như viết cho mình, mà không theo một quy trình đặc thù nào cả. Mặc dù chị sống ở Tây, như cái nết Ta… đã đầy đặn phồn thực và ngấm ăn sâu vào máu. Đó có lẽ là tính cách bị ảnh hưởng thăng trầm của cuộc sống tạo nên người đàn bà vững trải, cao cao tại thượng. Nhưng không phải vì thế mà mất đi hình ảnh cấu tứ ở trong thơ. 

      Cũng chính vì lối viết ấy, mà tôi thấy khá nhiều nhạc sĩ tên tuổi ưa thích, và còn nhiều bài đã được các ca sĩ thể hiện rất thành công. Đặc biệt gần đây, tôi nghe nhiều ở trên các trang web tạp chí trong và ngoài nước, và ngay cả trang cộng đồng Facebook. Trong số đó có trang Văn Học Sài Gòn vinh danh trao giải thưởng về thơ 1.2.3 của chị. Trong số 20 bài thơ chị gửi tôi, là đã có ⅔ bài đã được phổ nhạc.

       Tôi xin liệt kê một số bài đã được phổ nhạc trong phạm vi chùm thơ này, để các bạn tiện theo dõi và hiểu thêm về tính cách giữa THƠ – NHẠC – ĐỜI của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, cũng như giá trị nghệ thuật các tác phẩm trong mắt bạn bè, những nhà chuyên môn, và giới nghệ sĩ yêu thích.

Bài đầu tiên là:

  • Sài Gòn – bâng khuâng nỗi nhớ

Phổ nhạc: Ns Thanh Sử & Thanh Trình

  • “Nợ em”

Phổ nhac: Ns Phạm Văn Hải; Kỳ Anh & Nguyễn Tâm.

  • Điệu Boston buồn cho nhau 

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Hoàng Hạc & Nguyễn Cửu Dũng.

  • Vớt nắng giăng sầu 

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Cửu Dũng 

  •  Thu xa

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Cửu Dũng

  • Hạ nhớ người xưa

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Cửu Dũng 

  • Đau

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Hoàng Hạc 

  •  Lời u hờn của lá 

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Quốc Ẩn

  • Võ vàng giấc mộng 

Nhạc sĩ Kỳ Anh phổ thành ca khúc “Giấc mộng tình đầu”.

  • Phố mùa đông 

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Hoàng Hạc.

  • Thu lạnh

Phổ nhạc: Ns Nguyễn Hoàng Hạc.

  • Tự tình Xuân

Phố nhạc: Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Sử & Nguyễn Hoàng Hạc.

 Và còn rất nhiều bài nữa ngoài phạm vi chùm thơ này.

………………

Phần 3.

———-

Ảnh nhà thơ Hong Linh Nguyen

 

Điều ấn tượng đầu tiên, mà tôi đồng cảm được với nhà thơ Nguyễn Hồng Linh đó là bài “Sài Gòn – bâng khuâng nỗi nhớ”. Có lẽ Sài Gòn có rất nhiều kỉ niệm đẹp chăng? Nếu không thì vì sao nhà thơ phải bâng khuâng nỗi niềm đến vậy?… 

“Em về tìm lại miền ký ức

Đường lá me bay, áo trắng ngần

Mùa lay bâng khuâng trang vở cũ

Xanh hàng liễu rũ phố tình nhân”.

(Sài Gòn – bâng khuâng nỗi nhớ).

Vâng! Trong mỗi chúng ta ai cũng có một góc nhớ. Nhưng nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian, không gian…! Riêng ở khổ thơ này, cho thấy góc nhớ ấy đã phai phôi, nhưng không hoàn toàn là quên hẳn, nhất là khi có sự tác động đa chiều… thì góc nhớ ấy lại tìm về mồn một. Biết rằng!… Năm tháng ấy, đã phai theo thời gian chỉ còn là chút kỉ niệm nhỏ nhoi về một thời cắp sách. Nhưng chỉ cần một hạt bụi, hay ngọn gió vô tình, cùng đủ làm cho ta xốn xang nhớ về… Và với tôi cũng vậy! Khi đọc bài thơ này của chị, thì cái góc nhớ ấy trong tôi lại nóng ran và âm ỉ trong trái tim bàn chân của người lữ thứ như tôi, từ những ngày đầu, khi tôi đặt bước chân đến Sài Gòn. Kỉ niệm ấy… những con đường, những góc phố, hàng cây, đã đi vào thơ nhạc mà tôi từng thuộc làu, và từng nghêu ngao hát: 

“Trả lại em yêu khung trời Đại Học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt/(Đó là bài hát “Trả lại em yêucủa NS Phạm Duy được Thái Thanh ca thu âm trước năm 1975). Điều đặc biệt ở đây! Tôi muốn nói con đường này, là gắn liền với tên tuổi của căn nhà 47c nằm trên đường Duy Tân. Đó là căn nhà của cố NS Trịnh Công Sơn. Con đường này giờ đã đổi tên sau năm 1985, thành tên đường Phạm Ngọc Thạch. Và bây giờ nó trở nên quen thuộc không còn lạ lẫm với tôi khi mỗi ngày đi làm về đều ngang qua đây, thi thoảng ngồi lại công viên Hồ Con Rùa, ăn que kem hay vào thư viện đọc sách.

     Chính vì vậy mà hôm nay, tôi đọc bài thơ này của nhà thơ NHL. Cảm nhận như thấy mình ở trong cảnh đó và sống dậy những năm tháng ngọt ngào lãng mạn. 

 Hay nói về bài “Anh nợ em” của Nguyễn Hồng Linh cũng vậy:

“Anh nợ em…

Ly rượu tình tuyệt vọng

Tình sang sông mờ nhạt dấu môi hôn

Yêu lạc hồn đoá gai hồng giãy chết

Lạc mất rồi tình là vết gai đâm…”

(Anh nợ em)

       Người ta có câu nói về tình yêu rất chí lý: “Bông hồng đẹp là bông hồng có gai/ Trăng muốn đẹp phải có chút gợn mây/ Tình muốn hay phải có nhiều hờn giận”. Biết là vậy, nhưng giận hờn nhiều quá đôi khi cũng không tốt, mà càng làm cho bông hồng ấy rụng hết cánh chỉ còn là thân gai đâm đau thôi. Và trong khổ thơ này nhắc đến chữ “nợ”. “Anh nợ em/ Ly rượu tình tuyệt vọng/. Đồng nghĩa tình yêu trong nhân vật này khập khiễng, chênh vênh, và bất lực. Có lẽ là lời hứa kia chỉ là rỗng tuếch, để rồi ly rượu tình đơn độc, thất vọng, cứ dần dà gặm nhấm trái tim đến hồi tuyệt vọng. 

      Bài thơ này tôi lại liên tưởng đến bài hát nổi tiếng của Ns Anh Bằng, phổ thơ Nguyễn Thành Tài “Anh còn nợ em”.  Một ca khúc thành công trên bước đường sự nghiệp của Cs Quang Dũng. “Anh còn nợ em/ công viên ghế đá/… lá đổ chiều êm/ Và còn nợ em/ … cuộc tình đã lỡ…/… anh còn nợ em…/. Chỉ có một câu “Anh còn nợ em” được lập đi lập lại nhiều lần, giống như một lời oán thán. 

      Có một câu nói nữa cũng rất hay: “Sông sâu mười thước dễ đo/ Con người một thước không đo được lòng”. Hay trong bài viết của TS Lê Thẩm Dương ông nói: “Mối quan hệ giữa người với người như một cuộc đua chạy marathon, phải quen đủ lâu mới hiểu được lòng người”.

……………………….

Phần 4.

———–

Ảnh nhà thơ HongLinh Nguyen – Photoshop VT

 

Khi nói về nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, ta không thể không nói về nhạc. Bởi trong thơ chị lúc nào cũng có sẵn những mùi hương giai điệu phảng phất quyện nhau, giữa thơ và nhạc. Chính vì thế mà các nhạc sĩ đọc gần như cảm xúc và bắt nhịp ngay. Theo tôi được biết cho đến lúc này, thì chị đã xuất bản được 4 tập thơ, và tập thơ lần này sắp xuất bản là tập thứ 5. Con số lên hơn 700 bài. Và chiếm ¼ là bài đã được phổ nhạc và thu âm. Một kho tàng đồ sộ mà ít thấy thi sĩ nào có được. Như bài…

“Ai mua khôngNhạc Thanh Trình/ thể hiện ca khúc cs Minh Trang.

www.youtube.com/@honglinhnguyen98/ hoặc bài “Tự tình Xuân”Nhạc – Nguyễn Thanh Sử/ được ca sĩ Ngọc Linh thể hiện ca khúc rất thành công.

“Khúc tự tình mùa xuân bên dòng sông/ Em vẫn hát lời tình yêu cháy bỏng/ Anh có thấy xuân về qua ngõ vắng/ Mẹ chờ anh thường ra cửa ngóng trông”.

     Ngoài ra còn có bài “Điệu Boston buồn cho nhau”. Tuy bài này chưa có ca sĩ thực hiện, nhưng bài thơ để lại nhiều cảm xúc về nội dung, lẫn hình ảnh phong phú:

“Mùa thương ơi! Mùa vội đi đâu/ Gió lặng lẽ nỗi sầu cô quạnh/ Chiều phố cổ lạc miền ảo ảnh/ Thắp cho tình giai điệu mong manh”.

     Hoặc hàng loạt những bài ngũ ngôn phảng phất chút hương tình xưa cũ, còn mập mờ ảo ảnh chưa thể vuột qua khỏi khung cửa hẹp của một ái tình như chị hằng mong ước. Nhưng bức tranh ấy có lẽ chưa được thăng hoa trên nét cọ mềm bởi những dấu buồn chạm vào miền nhớ không tên…

“Vẽ trên miền đất nhớ/ Giọt mặn ướt vai trần/ Cho đời rung tiếng ngân/ Dấu buồn chạm ngực thở/ Vẽ đôi bờ trăn trở/… Uống chưa cạn đã đầy (vẽ trên miền đất nhớ). Dẫu cuộc đời còn nhiều suy tư trăn trở, vui buồn khó tránh khỏi. Nhất là đối với những người tha phương, đơn độc, lại mang trên mình thiên sứ làm mẹ, thì không hề đơn giản:

“Tiếng dương cầm dường như/ Vang trên đường phố vắng/ Mùa vẫn nhớ tương tư/ Bâng khuâng nghiêng vạt nắng/. (Nốt Trầm). Tôi yêu lắm khổ thơ này của chị. Một hình ảnh đầy tâm trạng cô đơn mà lê thê có trong ánh nhìn hun hút sâu thẳm đến vô cùng. Cái cảnh này chẳng khác nào với cảnh đại thi hào Nguyễn Du tả nỗi buồn của Kiều lúc bị mụ Tú Bà giam cầm ở lầu Ngưng Bích. Đó là hai câu thơ trác tuyệt: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguồn st). Và dường như nỗi buồn ấy, cái cảnh ấy, được thể hiện rõ nét nhất trong hai câu thơ cùng bài “Nốt Trầm” làm cho tôi phải khựng lại rồi ngẫm đọc từng chữ một:

Áo người bạc sương trắng/ Tháng Chạp khóc người về…”

Nói thật tôi cũng là người xa quê hương, nhưng vẫn ở trên đất nước mình, không trắc trở xa xôi như nhà thơ Hồng Linh. Ấy vậy mà mỗi khi bắt gặp bài thơ hay ai đó nhắc về quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình, là cảm thấy bùi ngùi nhớ lại. Huống hồ gì là người đàn bà xa quê hương cách gần nửa vòng trái đất như chị… thì đừng hỏi tại sao, mỗi khi Tết đến Xuân về…? Theo tôi được biết, thì nhà thơ Nguyễn Hồng Linh hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Stuttgart nước Đức. Nơi mà mùa đông nhiệt độ trung bình giao nhau từ âm 2°c đến dương 4°c. Gần như ngày và đêm là màn sương phủ đầy dày tuyết: “Ta nghe những lời u hờn của lá/ Giọng buồn tênh tình hoá bỗng phôi pha/ Đêm đông giá hạt sương trắng nhạt nhoà/ Cành khô gãy chia xa miền dĩ vãng” (Lời u hờn của lá).

Với cái lạnh cắt da cắt thịt ấy không chỉ là ở ngoài da, mà còn lạnh cả trong hồn của người thiếu phụ bất hạnh nữa. Chính vì vậy, mà hồn thơ chị bắt gặp cảnh tương quan từ tiếng thì thầm “… u hờn của lá”, đầy chất chứa trắc ẩn. Nên nỗi niềm mênh mông tâm tư sầu nhớ về dĩ vãng cũng là lẽ đương nhiên:

Trăng soi bóng bên cầu/ Tuyết rơi buốt đêm thâu/ Tình đã nhạt phai dấu/ Cho sầu đôi mắt sâu/ Đông về anh ở đâu?” (Tuyết sầu mong manh).

Hay trong bài: “Em xuống phố mùa đông/ Khăn quàng trong gió lộng/ Tuyết rơi! Tuyết mênh mông/ Áo trắng xoá lạc dòng”(Phố mùa đông). Và còn rất rất nhiều bài ngũ ngôn khác mang đậm chất ngôn tình mà không thể nói hết bằng lời. Chẳng hạn bài: (“Khát; Đau; hay Võ vàng giấc mộng” vv…). Mỗi bài thơ ấy!… Đều là thanh âm và cuộc sống chảy trong hồn thơ chị, có nội hàm chung! Đó là chữ “tình”, trong tình có tâm cảnh và ngoại cảnh, và lời thơ luôn luôn man mác nhạc điệu du dương dạt dào sâu lắng.

     Vì vậy, sự gắn kết giữa THƠ – NHẠC – ĐỜI của nhà thơ Nguyễn Hồng Linh, dù ở tâm thái nào đi nữa. Chị vẫn có một nét riêng, có chỗ đứng riêng, không lẫn lộn với ai trên diễn đàn văn học, nên người đọc dễ dàng nhận ra ngay. Nhất là những năm gần đây, chị xuất bản rất nhiều tập thơ trong và ngoài nước. Trong đó, thơ chị viết rất nhiều thể loại. Từ lục bát, đến thơ bảy chữ, tám chữ, ngũ ngôn, lục ngôn vv. Thậm chí ngay cả thơ 1,2,3 rất khó viết. Nhưng chị cũng gây bất ngờ đến các nhà thơ tên tuổi… trong đó có thể nói đến nhà thơ Phan Hoàng. Người đã nghiên cứu ra loại thể thơ này được HVH Việt Nam, cũng như các HVH nước ngoài công nhận là điều không dễ. Xin lấy một bài ngẫu nhiên trong chùm thơ thể thơ 1-2-3 để các độc giả thưởng lãm nhé!

“Tết xa xứ gió ru buồn cô quạnh

Nghẹn lòng lỗi hẹn với mẹ một mùa xuân

Ai về cho ta nhắn thăm người còn chờ trước ngõ

Đêm ba mươi, cố hương xa trông nặng lòng người con xa xứ

Bước độc hành chênh vênh tha phương đêm đông giá buốt

Nghe hồn quê thao thiết thổn thức đợi chờ mong.” (Thơ 1-2-3)

Trong các chùm thơ 1-2-3 của Hồng Linh tôi đã đọc qua, nhưng có một bài chị viết về Thành phố Suttgart, tôi lại cực kì thích và để lại trong tôi một chút cảm xúc mơ hồ, xen lẫn giữa những điều kỳ bí và huyễn hoặc, chị viết:

Sẽ đưa anh về Suttgart một ngày hoa nắng rực rỡ 

Nghe hơi thở mùa xuân trắng góc phố phường 

Tay trong tay nghe đôi chim câu kể chuyện tình buổi sớm

Lang thang Schlossplatz những khu vườn xinh xắn Cột Thánh xưa

Nghe tiếng vó ngựa của những chàng kỵ sĩ thời vua William l

Nằm bãi cỏ xanh ngắm tháp Killesberg.

Một bộc cảm trung thực, giàu hình ảnh, mà nhà thơ Hồng Linh cho ta chiêm ngưỡng. Tôi thật sự ngỡ như mình đang đi lạc vào vườn địa đàng hay vườn cổ tích nào đó rất xa xăm. Nhưng không! Ngược lại là rất thật! Thật như chính con người của chị. Tao nhã, đằm thắm, từng cử chỉ hành động, ngay cả trong lời thơ, mà không phải là ma mị. Ở đó… thơ chị, như được nguồn năng lượng tái tạo hạnh phúc cung cấp cho cả bốn mùa thơ về trên Suttgart. Và những ước mơ dang dở hoài vọng, chỉ còn là thời gian… Điều đó tôi đã thấy, và chạm được qua từng câu thơ chị viết. 

(Xin phép được góp vui vài câu cảm xúc khi đọc bài thơ 1-2-3 của chị).

“Tôi nhón gót chạm phải miền nguy nga tráng lệ 

Chạm vào đền đài cổ kính cung điện Neues Schloss

Chạm nước dòng sông Neckar thơ mộng hiền hòa 

Bất chợt, thành kẻ nhà quê lạc giữa miền xa lơ xa lắc 

Thịt da thôi miên bỗng nung núc đàn hồi 

Nghe Suttgart vào thu hồn lá đỏ vàng rơi.”

(Vọng Thanh) 

……………….

Phần 5.

———-

Với nhà thơ Nguyễn Hồng Linh mà tôi được biết. Chị viết thơ không phải mong cầu giải thưởng, hay đánh bóng tên tuổi của mình, mà chị viết thơ là vì tiếng lòng. Đơn giản là giải tỏa niềm vui nỗi buồn, và những mất mát đau thương mà chị hứng chịu trong cuộc sống khi xa quê hương, nơi tận trời Âu…

       Có lẽ vì những bất hạnh mà người đàn bà lẽ ra phải được nâng niu như một bông hoa, nhưng chị thì ngược lại. Chị gánh chịu và nếm đủ mùi vị cay đắng nhiêu khê của cuộc đời. Phải chăng từ những điều ấy, đã thổi vào hồn chị ngọn lửa khát khao tình yêu cháy bỏng, hy vọng có một mùa trái ngọt…?!

“Ta nhặt hành trang gói đầy trăn trở

Dù bụi nhân gian mờ những yêu thương

Vết xước xuân xanh mang nặng dặm đường

Rừng phong nhuốm ánh tà dương lộng gió”.(Bóng rũ chiều nghiêng)

Những tích cực ấy, được hun đúc ươm mầm trên đôi chân người đàn bà lặng lẽ nghiêng mình đi vào cuộc người bằng tiếng thơ róc rách chảy:

“Ta vớt nắng giăng sầu gửi gió

Hong khô tình trên cỏ xanh rêu

Chùm phượng vĩ tím chiều nhung nhớ

Chốn bụi trần ngực thở tàn phai”

Dường như… chị đã nhận ra thế nào là cuộc đời, thế nào là cuộc người… và ta đang đứng ở đâu? Khi trái tim chị đã đôi lần rướm máu: “Sầu ly hương nâng phím dây/ Đêm vụn vỡ nơi lưu đày/ Đường trăm lối buồn thế đấy/ Khúc đoạn trường mưa gió bay”

(Nỗi niềm trắng)

Nhưng với tình yêu khát khao từ những mùa thu cũ vẫn vàng tên góc phố, và một nỗi niềm mênh mang trăn trở thi nhân. Đã hun đúc nuôi dưỡng nguồn năng lượng dồi dào trong tâm hồn người đàn bà viễn xứ…

“Bờ vai ai lạnh giá trong chiều mưa

Mùa thu cũ hương thừa vàng thao thức

Phố tình nhân đã thay mùa rạo rực

Cho hồn lay day dứt giữa ngõ chờ”

(Khúc tình lỡ).

Vâng! Chị thừa hiểu những cuộc tình yêu thương trống vắng và sự chờ đợi là như thế nào. Nhưng âu cũng là duyên phận, chị biết cần phải làm gì… để đứng dậy, để bước đi tiếp bằng đôi chân của mình, và tự soi thắp cho mình ánh lửa sáng trong tim, chấp nhận thứ tha, chấp nhận những thứ được, cho, và mất mát ấy… Xem như, một khúc giao mùa xuân hạ thu đông, có đầy đủ hoa lá chim muông vọng lại ngàn sau bằng những áng thơ tình kiệt tác.

      Điều đó, được chứng minh bằng bức tranh thơ, bằng trái tim yêu thương luôn mong mỏi hướng về quê hương đất mẹ:

“Mai về tìm lại dòng sông trắng

Dấu vết rêu phong khói sương bay

Phượng hồng rủ bóng bên đường vắng

Ai chở tình ta gửi gió mây”

(Sài Gòn có gì ?).

       Dường như… tôi thấy vẫn còn đâu đó chút bâng khuâng suy tư, trong đôi mắt thả rơi trên lối mòn kí ức về một thời hoa đỏ. Phải chăng, đó là khúc dư âm còn lại ngọt ngào đẹp nhất của một mùa hạ cũ? Hay điều gì khiến chị còn trăn trở, phân vân, rồi tự hỏi…? “Ai chở tình ta gửi gió mây?”…                                                                         Không lẽ chị sợ đối mặt với cái cô đơn lạc lõng vô tâm kia in hằn thành dấu ấn? Hay những khúc quanh co cuộc đời còn tồn tại một chiếc bóng hun hút mù tăm? Vì vậy mà chị sợ, sợ không có chỗ dành cho cái phiên khúc trăm năm…?!

      Xin cảm ơn chị! Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh. Cảm ơn chị đã cho tôi và các bạn bè độc giả yêu thơ và mến mộ chị, được thưởng lãm những bài thơ trữ tình dạt dào cảm xúc thi ca. Và tôi cũng xin nhắn nhủ chị rằng:                                             Dù ở phương trời nào đi nữa, chị vẫn là người con của quê hương chảy cùng dòng máu đỏ da vàng nước Việt.                                                                 Chị hãy yên lòng nhé! Hãy nhớ…! Xung quanh chị còn có cả một quê hương, có bạn bè trong đó có tôi. Sẽ luôn luôn đồng hành bên chị, để lắng nghe một dòng sông thơ chảy xiết giữa đôi bờ thương nhớ…/.

Sài Gòn tháng 4/2024.

Vọng Thanh 

__________

Leave Comments

0976712244
0976712244