Giới thiệu bài thơ hay/ BÀI CA THÁNG MƯỜI - Tác giả: Thiên Di/ qua lời bình Trần Mỹ Nhân - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA Giới thiệu bài thơ hay/ BÀI CA THÁNG MƯỜI - Tác giả: Thiên Di/ qua lời bình Trần Mỹ Nhân

Giới thiệu bài thơ hay/ BÀI CA THÁNG MƯỜI – Tác giả: Thiên Di/ qua lời bình Trần Mỹ Nhân

 

Bài Ca Tháng Mười là bài thơ hay, lời thơ giản dị, mộc mạc cùng những hình ảnh đẹp gợi cho người ta càng thêm yêu quý một vùng quê mùa nước nổi. Ai ở miền quê sông nước từ nhỏ, đặc biệt là người miền Tây chắc hẳn sẽ không thể không yêu những kỉ niệm đẹp đẽ đã ung đúc nên cái cốt cách, tâm hồn lãng mạn, tươi mát của con người miền sông nước.

Tháng mười mùa nước nổi, mưa nhiều hơn nắng, niềm vui nỗi buồn cứ thế mà đan xen nhau tạo nên màu sắc, hương vị, âm hưởng khó quên như bài ca vọng cổ, như bữa cơm chiều, như những lần mong đợi, tiễn đưa nhau. Tháng mười vì vậy mà trở nên đáng yêu, đáng nhớ trong lời thơ của Thiên Di.

Mở đầu bài thơ là lời nhắc nhở khéo léo khơi gợi cho người đi xa một cảm xúc đẹp về hồi ức quê hương. Quê hương có gì để bậu nhớ? Có buổi cơm chiều ngậm ngùi trong buổi tiễn đưa và có bóng dáng em góp vào cái đậm đà của bữa ăn ấy chút hương vị đồng quê: hái ngọn rau ôm, ngắt bông điên điển, nấu canh chua…

Tháng mười rồi bậu có nhớ quê không
Nhớ bữa cơm chiều ngậm ngùi đưa tiễn
Em hái ngọn rau ôm
Ngắt rổ bông điên điển
Nấu canh chua ngọt vị đồng quê…

Đọc những dòng thơ này toàn cảnh bức tranh nông thôn trong từng khoảnh khắc hiện lên rõ ràng, tỉ mỉ, chân thật như những gì diễn ra trong đời sống thường ngày của người dân miền sông nước. Mở đầu đã là điểm nhấn hết sức khôn khéo trong cách vận dụng phương pháp tả cảnh ngụ tình.

Những khổ thơ tiếp theo là hình ảnh người ở quê mỗi chiều ra sông mơ bóng hình của bậu về mà nỗi nỗi thương nỗi nhớ đã thành những giọt nước vội quẹt ngang giấu vào trong chéo áo. Hình bóng em với tấm lòng thơm thảo như chiếc xuồng ba lá xuôi dòng vọng cổ tháng năm. Một sự so sánh nhẹ nhàng gợi cho người ta cảm giác về sự hoà quyện giữa em và nét văn hoá đặc trưng của vùng miền.

Chiều ra bến sông mơ bóng bậu về
Thương ai giọt nước mắt dấu vào chéo áo
Nước bạc trắng mà lòng em thơm thảo
Như chiếc xuồng ba lá xuôi dòng vọng cổ tháng năm

Cũng nơi miền quê ấy, hình ảnh quê hương bình yên với vầng trăng đêm đằm mình trong đáy nước, có hàng dừa tóc xõa nhờ tay gió chải… hình ảnh nhân hoá là cho câu thơ sống động gợi liên tưởng đến người con gái chải mái tóc dài suôn mượt bên bờ sông:
Có vầng trăng về bến sông đằm
Hàng dừa xõa tóc nhờ tay gió chải

Nỗi nhớ làm cho ánh nắng gay gắt buổi chiều hôm chuyển sang màu tím. Nỗi nhớ ấy làm cho chàng trai trở nên rối rắm:
Nỗi nhớ em tím cả màu nắng quái
Bậu không về ai gỡ rối tơ vương?
Quả nhiên bậu không về thì ta biết tìm ai để gỡ rối mảnh tơ lòng. Cái nhớ, cái thương của người đàn ông từ lâu đã được người dân gian thường bảo nhau:
Gái thương chồng đương đông giữa chợ
Trái thương vợ nắng quái chiều hôm.
Rõ ràng có một người đàn ông nơi miền quê vẫn mỗi ngày mồng đợi bóng dáng của người vợ đi làm, đi học chốn thị thành.

Kí ức về quê hương được khơi dậy bởi hình ảnh trái mù u rụng bên đường và ngọn đèn dầu ngoại thắp… hình ảnh con bìm bịp kêu gợi nên nỗi buồn vừa hiu hắt vừa đã diết. Hình ảnh gợi người ta nhớ câu hát ru: “Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng” (bài hát Anh ở đầu sông, em cuối sông – thơ: Hoài Vũ, nhạc: Phan Huỳnh Điểu) hiểu là “nỗi nhớ như gió không bao giờ ngừng lặng, như bìm bịp kêu hoài, kêu khắc khoải suốt ngày từ con nước lớn đến nước ròng”. Thú vị vô cùng hình ảnh thơ của Thiên Di:
Trái mù u chín rụng xuống ven đường
Bậu có nhớ ngọn đèn dầu ngoại thắp
Mờ con nước bìm bịp kêu hiu hắt
Ráng hoàng hôn còn cháy đỏ ven mây.

Kết thúc bài thơ làm người đọc lắng lòng lại, thấu cảm với nỗi mong, nỗi nhớ của chàng trai:
Nghe phù sa lắng kể chuyện cỏ cây
Dòng sông xưa vẫn bên bồi bên lở
Thì hương quê vẫn nặng tình ai đó
Bông lục bình tím nỗi nhớ mênh mông

Không phải chỉ chàng trai nặng tình với bậu mà quê hương cũng nặng tình ai đó và hình ảnh bông lục bình tím hiện ra ở cuối bài thơ làm trái tim tôi chết lặng.

Một sự đồng cảm với chàng trai trong bài thơ, một tâm trạng của người con gái nơi miền sông nước trong quá khứ mỗi chiều cùng người yêu ngồi ngắm lục bình tím trên sông. Và khi rời xa quê hương những ngày ngồi ở tầng hai kí túc xá nhớ về quê nhà có một người con trai chờ đợi bên sông tay bấm phím hát bài vọng cổ quen thuộc mà chờ đợi người xưa.

Mạch cảm xúc trong bài thơ đã gieo vào lòng người đọc những nỗi niềm sâu lắng trong tình yêu. Gợi cho người đi xa hoài niệm về cố hương mà trái tim càng yêu quý nơi mình đã sinh ra.

Bài Ca Tháng Mười thật sự là bài thơ đáng để chúng ta cùng đọc và suy ngẫm về lòng chung thủy, về giá trị của cuộc sống gắn với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cảm ơn tác giả đã mang đến những giá trị tinh thần cao quý cho đọc giả.

Lời bình Trần Mỹ Nhân 

Ảnh Trần Mỹ Nhân

————————————-

* Mời mọi người thưởng thức bài thơ

Bài Ca Tháng Mười.                                 Tác giả – Thiên Di.                                                            _____________________________

Tháng mười rồi bậu có nhớ quê không
Nhớ bữa cơm chiều ngậm ngùi đưa tiễn
Em hái ngọn rau ôm
Ngắt rổ bông điên điển
Nấu canh chua ngọt vị đồng quê…

Chiều ra bến sông mơ bóng bậu về
Thương ai giọt nước mắt dấu vào chéo áo
Nước bạc trắng mà lòng em thơm thảo
Như chiếc xuồng ba lá xuôi dòng vọng cổ tháng năm

Có vầng trăng về bến sông đằm
Hàng dừa xõa tóc nhờ tay gió chải
Nỗi nhớ em tím cả màu nắng quái
Bậu không về ai gỡ rối tơ vương?

Trái mù u chín rụng xuống ven đường
Bậu có nhớ ngọn đèn dầu ngoại thắp
Mờ con nước bìm bịp kêu hiu hắt
Ráng hoàng hôn còn cháy đỏ ven mây

Nghe phù sa lắng kể chuyện cỏ cây
Dòng sông xưa vẫn bên bồi bên lở
Thì hương quê vẫn nặng tình ai đó
Bông lục bình tím nỗi nhớ mênh mông

Thiên Di Sg

 

Ảnh nhà thơ Thiên Di

 

Leave Comments

0976712244
0976712244