V Ụ N
Nguyễn Thúy Nga
Sáng tác một bài thơ (tác phẩm) hay là rất khó, nhưng để viết lý luận và phê bình cho một tác phẩm, có lẽ cũng không hề đơn giản.
Như chúng ta đã biết, sáng tác chủ yếu mang tính chất cảm tính (cảm xúc của người sáng tạo), nhưng phê bình lại cần cả cảm tính và lý tính. Phê bình văn học đòi hỏi sự cảm thụ văn học theo cả bề dài và bề sâu, cộng thêm khả năng kiến văn, luận cứ, luận chứng và lý giải.
Trên thực tế, những người viết tự do, hay những người sáng tác chuyên nghiệp (người thuộc tổ chức hoặc hội, được sự bảo trợ và quản lý của nhà nước), có nhiều bài bình nghiêng theo cảm tính. Cảm tính có nghĩa là khi bình, người viết tìm mọi lý lẽ để khen quá mức tác phẩm, bỏ qua những khiếm khuyết, để rồi cùng vui vẻ “nâng” nhau lên.
Tất nhiên chúng ta hiểu, khi chọn để bình một tác phẩm, người bình phải thật sự yêu thích tác phẩm ấy.
Sáng tạo nghệ thuật là một loại sáng tạo không giới hạn. Nhưng để viết phê bình một tác phẩm, có lẽ chúng ta vẫn phải dựa trên những tiêu chí cụ thể:
– Ngôn từ có mới không.
– Hình tượng (thi ngôn) có mới không.
– Tư tưởng có gì đặc biệt không. v…v…
Có nghĩa là bằng cái nhìn của mình, người bình thấy tác phẩm có sự sáng tạo không? Có đột phá, làm mới từ những cảm xúc, ngôn từ vốn đã quá cũ và quá sáo mòn không?…
Thông thường, cảm xúc không có hay hoặc dở, một bài viết nếu chạm đến trái tim người đọc thì đó là bài viết được gọi là hay. Nhưng trên khía cạnh lý luận và phê bình văn học thì cách nhìn nhận, đánh giá tác phẩm lại là một vấn đề khác. Nó đòi hỏi một tác phẩm phải là một sự sáng tạo độc lập, không vay mượn, chắp vá, mới mẻ và khác hẳn những khuôn khổ cố định mà vẫn tạo nên sự kết nối giữa cảm xúc và cảm xúc…
Phê bình văn học, ngoài những điều sáng tạo, và những chi tiết hay của một tác phẩm, người viết lời bình cần chỉ ra chỗ chưa hoàn chỉnh của tác phẩm (tất nhiên cách viết làm cho tác giả của tác phẩm chấp nhận được mà vẫn đạt được hiệu quả của sự góp ý). Đó chính là sự kết hợp giữa cảm tính và lý tính trong lý luận phê bình.
Lý luận và phê bình văn học còn là một việc làm không dễ nữa, đó là sự bảo thủ, cố hữu “văn mình, vợ người”. Người phê bình khen càng nhiều càng tốt, nhưng chê thì hầu như tác giả nào cũng không muốn. Bởi vậy, đã từ lâu lắm rồi, chúng ta chỉ được đọc những bài bình kiểu như phân tích câu chữ mà người bình tâm đắc, kèm theo việc “múa bút” dùng mỹ từ trải hoa gấm lên con chữ mà thôi!
Bình vậy cho hài hoà cả người viết và tác giả tác phẩm, chứ không thì cũng thật khó mà vui vẻ cho cả hai phía.
Nhưng làm như vậy thì mục đích của phê bình văn học bị triệt tiêu, tác giả nào khi đọc lời bình cũng ảo tưởng tác phẩm của mình quá hoàn hảo, đấy mới là điều đáng sợ!
Trong nghệ thuật, người sáng tạo tác phẩm cần có một chữ tình, đồng thời người viết lý luận và phê bình cũng cần một chữ tâm.
Văn học qua từng thời kỳ cũng có sự khác nhau vì chịu ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…
Tuy vậy, nghệ thuật muôn đời được tạo ra để con người cảm nhận được vẻ đẹp, sự hoàn hảo, hướng thiện và nhân văn trong đời sống hàng ngày.
Mong lắm sẽ có những tác phẩm văn chương hay và những bài phê bình đúng nghĩa!
——————
Hà Nội 18.5.2023