XÁ C  V À  H Ồ N —————————— Thơ  Phan Dương - Viết lời bình: Kim Hoa - DIỄN ĐÀN VĂN HỌC - MÙA HOA

XÁ C  V À  H Ồ N —————————— Thơ  Phan Dương – Viết lời bình: Kim Hoa

XÁ C  V À  H Ồ N
——————————
              Thơ  Phan Dương
              Viết lời bình: Kim Hoa

   Bài thơ XÁC VÀ HỒN của nhà thơ Phan Dương đăng Facebook ngày 24.04. 2023.
Tôi xin phép không đề cập đến lời trần tình của tác giả, mà muốn đọc bài thơ để cảm nhận theo cảm xúc của một độc giả hướng theo thời gian và không gian.
Thời điểm chuẩn bị lễ 30/04 – một điểm mốc lịch sử thống nhất đất nước sau hai mươi mốt năm chia cắt hai miền Nam Bắc.
   Đây là bài thơ của một bác sĩ cựu chiến binh, thầy thuốc ưu tú. Nên mỗi dịp lễ thế này, chắc chắn sẽ nghĩ đến những người đồng đội nằm xuống nơi chiến trường. Hình ảnh chết chóc của một thời khói lửa ám ảnh, không hề phai nhòa.

   Phải chăng biến cố 30/ 04 cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ văn chương?

   Một số tín ngưỡng tin rằng con người có linh hồn và khi hấp hối là lúc linh hồn lìa khỏi xác.

    Tác giả lấy tựa đề cho bài thơ tình là XÁC VÀ HỒN.
Thì chắc chắn đây là cuộc tình đã chết, hai người đã chia tay.
   Nội dung bài thơ viết về cuộc gặp lại cố nhân.
   Cuộc tình sâu đậm mà không đến được với nhau thì tình trạng của hai người sau khi chia tay ra sao? Ta thử đọc và xem hai nhân vật chính sẽ như thế nào sau khi chia tay nhé!

Ảnh nguồn từ Nhà thơ Phan Dương

   Tác giả viết thơ tình buồn theo lối thơ lục bát rất truyền thống. Và ta có thể chia bài thơ ra làm hai:
Phần một là nói về cuộc chia tay
Phần hai nói về cuộc gặp lại cố nhân.

   Thoạt đầu vào bài thơ, người đã dùng chữ “Lọt”

“Lọt tình vào túi càn khôn
Xác nằm dưới đất, còn hồn về đâu?”
   Lọt xuống, ngã xuống, nằm xuống, hy sinh, mất… thường ám chỉ cái chết.
Lọt vào túi càn khôn mà túi càn khôn là gì? Là trời đất, vũ trụ mênh mông.
Vậy thì tác giả muốn nói một cuộc tình đã mất.
   Xác thì xác định nằm ở dưới đất, có ý gì? Có phải là hai người ấy vẫn thấy nhau, vẫn quan sát nhau, nên mới xác định được là đang ở dưới đất.
Còn hồn về đâu? Hồn là tình cảm, là kỷ niệm, là dư âm lọt vào mênh mông, không xác định được như thế nào. Trời ơi!
   Thà chia xa, thà không thấy nhau nữa, thà ta biệt vô âm tín thì khác. Còn đàng này, tác giả cho người trong cuộc quan sát nhau, biết rõ “Xác nằm dưới đất”

   Tác giả viết chỉ hai câu thơ như này đã làm cho những người đã từng… cũng thấy bâng khuâng.

“Hỏi sông, chỉ biết sông sâu
Hỏi núi, chỉ thấy đỉnh đầu đầy mây…”

   Tại sao không thể hỏi thẳng nhau đi! Mà hỏi sông, hỏi núi bâng quơ thế làm sao có câu trả lời? Phải chăng vì một sự bồng bột vô tình nào đó họ đã làm tổn thương nhau “một lần lỗi hẹn, mất nhau cả đời” chăng?

   Và rồi tác giả đã mô tả hai người ở tình trạng:
“Người buồn, xoã tóc dại ngây
Người chôn chân giữa một ngày đầy mưa…”
   Hai câu thơ này độc giả có thể thêm vào chữ một ở đầu mỗi câu thơ xem sao!

Một “Người buồn, xoã tóc dại ngây”
Một “Người chôn chân giữa một ngày đầy mưa…”

   Xõa tóc là hình ảnh người con gái tương tư và trở nên điên dại, lơ mơ trạng thái tâm thần bất ổn. Nếu ai quan sát người tương tư rồi sẽ cảm nhận rõ hình ảnh của câu thơ này.
   Một “Người chôn chân giữa một ngày đầy mưa”
   Hình ảnh người con trai đứng chết lặng nuối tiếc khổ đau mà ngay cả mưa tầm tã người ấy cũng mặc kệ. Cứ để cho bóng em nhòe đi trong mưa. Còn anh đã mất em và hoàn toàn mất đi cảm xúc với thiên nhiên, ngay cả mưa đầy mà cũng không cảm thấy lạnh bằng sự giá băng trong lòng bởi cuộc chia tay.
Như vậy, đây là cuộc tình của hai người rất yêu nhau và chia tay vì không thể đến với nhau nên cả hai đều ở tình trạng buông tay trong nuối tiếc khổ đau.

   Và rồi sau một thời gian nào đó, quãng thời gian đủ cho
“Vòng tròn số phận đẩy đưa
Để rồi hai kẻ lại vừa chạm tay…”

   Họ chạm nhau do số phận đẩy đưa, do tình cờ chứ không tự nguyện muốn gặp nhau. Sao giận dai thế?

“Xác tình trong đất, ngủ say
Hồn tình, le lói chờ ngày, chắp câu”
Kim Hoa chú ý đến từ chắp câu chứ không phải cá cắn câu.
Le lói là hi vọng. “Chắp câu” ở đây là sự ẩn dụ như “một câu thơ, một bài văn dở dang” đang cần “chắp câu” cho hoàn chỉnh. Như mối tình dang dở hi vọng chắp nối lại.
Tuy nhiên, khi gặp lại, những cảm xúc dâng trào, buồn vui lẫn lộn, vô định. Để rồi chợt nhận ra

“Bao năm hồn dạt về đâu?
Hoá ra vẫn ở trong đầu ta thôi!

Em, ngày xưa ấy, và tôi
Giá đừng bồng bột để rồi cách xa!

Hồn tình dẫu ở trong ta
Giờ tay có chạm, chỉ là… cảm thông”

Đọc hết những vần thơ này thì mới vỡ lẽ, họ xa nhau vì “em” lỡ bước sang ngang.

Bây giờ chuyện đã rồi. Biết sao bây giờ!  Họ vẫn còn yêu, nhưng gặp lại trong tình trạng không thể trở lại với nhau nữa. Không thể chắp câu được nữa. Chút hy vọng le lói lại chợt tắt.
Nên mới giá mà “em và anh” đừng bồng bột để cách xa.

Giờ tìm nguyên do cũng chẳng nghĩa lý gì. Cứ chạm tay đi! Nhưng chạm tay chỉ là “cảm thông”. Bởi “anh” yêu “em” và biết rằng “em” cũng thế! Duyên phận đẩy đưa mà! Từ cảm thông ở đây còn ẩn chứa tấm lòng vị tha.
   Có lẽ những mối tình càng yêu sâu đậm thì khi chia tay, những vết thương lòng sẽ khó có thể chữa lành. Nhưng ở đây tác giả có hướng giải quyết thật nhân hậu.

“Chẳng cần hỏi núi, hỏi sông
Hãy cho một thuở bềnh bồng trôi đi…
Thôi thì hãy để một thời “bềnh bồng”, lãng mạn, ngọt ngào, một thời từng yêu nhau tha thiết, từng say đắm nhau, cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Tình yêu ấy thật đẹp!
Nhưng cái kết “hãy để trôi đi” nghe mà xoắn lòng! Câu thơ này ẩn chứa ý tứ phức tạp, đa nghĩa. Vừa yêu, vừa giận, vừa hờn dỗi. Lúc này họ phải dùng đến lý trí, thôi đi đi! Nói như nhà thơ Puskin:
“Em bảo anh đi đi,
Sao anh không đứng lại?”
Hãy quên đi! Cứ để mặc anh, mình anh mang nỗi buồn của vết thương lòng. Bởi em đã:
“Xác tình lỡ nhịp vu quy
Hồn tình chắc cũng,
                               thôi thì… thế thôi…”
   “Thôi thì… thế thôi…” lời lẽ hiền hòa có chút cam chịu. Càng làm cho người đọc bức bối. Thương cho người con trai quá!

   Em theo người thì tình yêu có lẽ cũng sẽ phải thay đổi theo để cuộc sống mới được hạnh phúc.

   Cung đàn lỗi nhịp rồi đâu thể nào cưỡng lại duyên phận!
Em và tôi bây giờ…
Xin mượn lời bài hát “Cho Vừa Lòng Em” của nhạc sĩ Mạc Thế Nhân:
“Thôi rồi ta đã xa nhau
kể từ khi pháo đỏ, rượu hồng
Anh đường anh,
em đường em…”

Đó là bài hát thay cho lời kết bài bình của Kim Hoa. Xin cảm ơn Nhà thơ, Bác sỹ Phan Dương đã đăng lên trang NMHOL bài thơ hay. Chúc Nhà thơ sức khỏe dồi dào và luôn sáng tác có những tác phẩm hay để đời nhé!

      Bruxelles, 4.7.2023
      ——————-

Ảnh Nhà thơ Kim Hoa

X Á C  V À  H Ồ N
——————————
               Phan Duong

Lọt tình vào túi càn khôn
Xác nằm dưới đất, còn hồn về đâu?

Hỏi sông, chỉ biết sông sâu
Hỏi núi, chỉ thấy đỉnh đầu đầy mây…

Người buồn, xoã tóc dại ngây
Người chôn chân giữa một ngày đầy mưa…

Vòng tròn số phận đẩy đưa
Để rồi hai kẻ lại vừa chạm tay…

Xác tình trong đất, ngủ say
Hồn tình, le lói chờ ngày, chắp câu

Bao năm hồn dạt về đâu?
Hoá ra vẫn ở trong đầu ta thôi!

Em, ngày xưa ấy, và tôi
Giá đừng bồng bột để rồi cách xa!

Hồn tình dẫu ở trong ta
Giờ tay có chạm, chỉ là…cảm thông

Chẳng cần hỏi núi, hỏi sông
Hãy cho một thuở bềnh bồng trôi đi…

Xác tình lỡ nhịp vu quy
Hồn tình chắc cũng,
                               thôi thì…thế thôi…
—————
Hà Nội   24/4.2023

Leave Comments

0976712244
0976712244