C Ả M
n g u y ễ n t h ú y n g a
………
Mỗi người sinh ra ở những điều kiện sống và hấp thụ một niềm giáo dục khác nhau, vì vậy cách nhìn nhận và đánh giá về mọi hành vi, hiện tượng nói chung hay nghệ thuật nói riêng có rất nhiều khác biệt.
Riêng về thơ dù hay hoặc dở cũng đều có một số người đồng cảm hay nhẹ là thờ ơ, nặng hơn là đả kích. Điều này dễ hiểu vì khi có sáng tạo nghệ thuật là sẽ có đồng cảm và dị biệt về cảm xúc luôn song hành. Từ rất lâu chúng ta đã cố công tìm định nghĩa thế nào là thơ và thế nào là một bài thơ hay, nhưng tất cả đều vô ích vì nghệ thuật sáng tạo vốn không phải là một phép tính của những con số.
Hơn nữa, thơ hay, dở còn phụ thuộc vào đối tượng sáng tác và mục đích cảm thụ . Ví dụ thơ của bác nông dân lúc nông nhàn khác thơ của một tiến sỹ ngôn ngữ học, thơ của dân văn phòng giờ giải lao khác thơ của một chính trị gia, thơ của nhà thơ khác thơ của người rảnh việc viết để mua vui, giết thời gian.
Để đánh giá một bài thơ hay rất khó. Vì người đọc chỉ đánh giá bằng cảm quan cá nhân (chủ quan) đến những nhà lý luận và phê bình văn học (được đào tạo căn bản) nhiều khi cũng không thoát ra khỏi chủ kiến của mình.
Như tôi đã viết trong bài VỤN. Khi một tác phẩm đến với công chúng, thì tác phẩm ấy là của công chúng, và chịu sự phân xét của công chúng. Chấp thuận hay bị đào thải cứ chờ câu trả lời từ thời gian. Có điều nghệ thuật để cảm thụ chứ không phải để đấu trí, càng không phải dùng tác phẩm để đánh giá nhân cách của người sáng tác. Thơ là nội hàm người viết, chứ không hẳn là cuộc sống thực của người viết, mà sáng tạo nghệ thuật là một sáng tạo không giới hạn logic của cảm xúc không giống logic toán học. Những con chữ nếu mang mổ xẻ, lắp ghép để tìm sự hợp lý thì ngoài việc giết chết thơ ra không có kết quả gì.
Khi chưa biết làm thơ chúng ta học viết, nhưng chúng ta quên học cách cảm thụ. Ta yêu thích khi thấy đồng cảm thì cũng nên trân trọng khi gặp những dị biệt về cảm xúc. Trân trọng người… chính là trân trọng bản thân mình, và cần lắm một sự cảm thụ có văn hóa vì chúng ta là những người cầm bút.🖊